Người biểu tình cướp bóc, đập phá cửa hàng

MỸ – Hàng loạt doanh nghiệp trở thành nạn nhân của làn sóng biểu tình phản đối vụ cảnh sát dùng đầu gối ghì chết một người da đen.

Các nhà bán lẻ và nhà hàng tại Mỹ vừa bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng băng do Covid-19. Nhưng triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp này nhanh chóng bị dập tắt bởi làn sóng biểu tình lan rộng trên khắp nước Mỹ. Người dân bất mãn trước cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen 46 tuổi bị sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ khiến tử vong.

Cuối tuần qua, những người biểu tình đã diễu hành qua các thành phố New York, Dallas, Atlanta, Chicago với mục đích kêu gọi công lý cho Floyd. Ở một số nơi, người biểu tình dùng sơn phun các dòng chữ bên ngoài nhiều cửa hàng với nội dung lên án sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi. Có những nơi biểu tình lan rộng thành bạo lực, cửa hàng bị đập phá, cướp bóc khiến nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.

Những người biểu tình đã đập phá và cướp bóc một cửa hàng Target tại thành phố Minneapolis tối ngày 27/5. Ảnh: CNBC. 

Những người biểu tình đập phá và cướp bóc một cửa hàng Target tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tối 27/5. Ảnh: CNBC. 

Ở New York, cửa hàng thực phẩm Whole Food của Amazon, cửa hàng thời trang Looted Chanel và Coach ở trung tâm thương mại SoHo và Fifth Avenue, thuộc khu phố Manhattan giàu có, bị một số người biểu tình tràn vào. Tại trung tâm thành phố Dallas, cửa sổ kính ở phía trước cửa hàng bách hóa xa xỉ Neiman Marcus cũng bị đập vỡ và lấy đi nhiều hàng hóa. Cửa hàng Nordstrom ở Seattle cũng bị phá hoại.

Gian hàng của các hãng thời trang thể thao Nike và Adidas cũng trong tình trạng tương tự vào cuối tuần qua. Adidas quyết định đóng tất cả cửa hàng ở Mỹ cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, Nike đưa ra thông điệp ủng hộ phong trào phản đối nạn phân biệt chủng tộc nhưng kêu gọi người biểu tình hãy giữ thái độ ôn hòa.

Jeff Gennette, giám đốc điều hành chuỗi bách hóa Macy, cho biết công ty đã điều chỉnh giờ đóng cửa sớm hơn thông thường. Những cửa hàng ở thành phố Minneapolis, Atlanta, trung tâm của các cuộc biểu tình quy mô lớn, hiện đều không mở cửa. Phát ngôn viên của Macy xác nhận hãng đã chịu nhiều thiệt hại khi các cửa hàng liên tục bị cướp hàng hóa.

Các nhà bán lẻ, gồm Best Buy và Walgreen, cho hay đã phải dừng hoạt động vì thiệt hại do biểu tình gây ra. Hơn 250 cửa hàng CVS, nhà bán lẻ về chăm sóc sức khỏe trên 21 bang ở Mỹ, bị hư hại và khoảng 60 cửa hàng hiện ngừng hoạt động, theo Mike DeAngelis, người phát ngôn công ty.

Joshua Thomas, đại diện nhà bán lẻ Target, cho biết hãng đã điều chỉnh giờ mở cửa của hơn 200 cửa hàng. Ngoài ra, 6 điểm kinh doanh hiện đóng cửa để sửa chữa sau khi bị người biểu tình tấn công và cướp phá.

Cảnh sát tập trung trước một cửa hàng Lowe tại thành phố Philadelphia, Pennsylvania.sau khi cửa hàng này bị một số người biểu tình cướp bóc hôm 31/5. 

Cảnh sát tập trung trước một cửa hàng Lowe tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, sau khi cửa hàng này bị một số người biểu tình cướp bóc hôm 31/5. Ảnh: CNBC.

Các nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 vừa khởi động trở lại đã buộc phải nghỉ do biểu tình lan rộng. Tập đoàn Castellucci Hospitality, trụ sở tại Atlanta, mở lại hai nhà hàng hôm 30/5. Nhưng các cuộc biểu tình diễn ra vào cuối tuần và lệnh giới nghiêm được ban hành trong thành phố đã khiến hoạt động kinh doanh của nhà hàng đóng băng trở lại.

Trong khi đó, một số cửa hàng nhượng quyền của McDonald cũng tạm thời đóng cửa để tránh làn sóng cướp bóc. Trước đó hãng thức ăn nhanh lớn nhất Mỹ này cũng chịu tổn thất từ Covid-19 khi chỉ bán online và không phục vụ tại chỗ.

Theo các chuyên gia phân tích, biểu tình ở Mỹ đã đẩy các nhà bán lẻ, nhà hàng vào “khủng hoảng kép” khi vừa phải đối mặt với tình hình kinh doanh sa sút vì Covid-19, vừa phải đương đầu với rủi ro do biểu tình.

“Những tuần gần đây, mọi thứ dường như đi đúng hướng khi việc khởi động lại nền kinh tế được thực hiện một cách cẩn thận giúp các doanh nghiệp có triển vọng hồi phục. Tuy nhiên, cái chết vô nghĩa của George Floyd và bạo lực xảy ra trong vài đêm qua đã phá vỡ niềm tin mong manh của một quốc gia đang phải vật lộn với lo lắng, thất vọng và sợ hãi”, ông Brian Dodge, chủ tịch Hiệp hội Lãnh đạo ngành bán lẻ, nhận định.

Witold Henisz, giáo sư trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho rằng những lo ngại về một hệ thống tư pháp bất bình đẳng có thể đã thúc đẩy các cuộc biểu tình, nhưng chúng không phải là động cơ duy nhất. Theo ông, Covid-19 đã phơi bày nhiều bất cập trong các vấn đề như thất nghiệp, tiền lương, y tế… khi 41 triệu người đã mất việc, 104.000 người chết vì dịch bệnh. Và cái chết của Floyd là ngọn lửa bùng lên bên dưới loạt vấn đề trên.

Sơn Nam (Theo CNBC)

https://ngoisao.net/thuong-truong/nguoi-bieu-tinh-cuop-boc-dap-pha-cua-hang-4108925.html

Có thể bạn quan tâm

Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng chậm lại, dấy lên …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *