Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu liệu có phải là dấu hiệu để Thụy Điển “nghĩ lại” về chiến lược không phong tỏa “ngược dòng” với số đông.
Tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu
Vào cuối tháng 3, gần như mọi quốc gia châu Âu đều đóng cửa trường học và doanh nghiệp, hạn chế đi lại cũng như yêu cầu người dân ở nhà. Tuy nhiên, Thụy Điển đã đi ngược với xu hướng này khi vẫn quyết định mở cửa và duy trì cuộc sống ở mức độ bình thường nhất có thể. Nước này vẫn mở cửa hầu hết các trường học, nhà hàng và doanh nghiệp trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới.
Người dân Thụy Điển thực hiện giãn cách xã hội tại trung tâm mua sắm Gallerian ở thủ đô Stockholm ngày 12/5/2020. Ảnh: Reuters
Sự phản ứng của Thụy Điển trước đại dịch Covid-19 thậm chí đã nhận được lời khen từ một số chính trị gia Mỹ, những người coi nước này là mô hình mà Mỹ có thể học tập khi bắt đầu mở cửa trở lại.
“Chúng ta cần quan sát với một quan điểm cởi mở về những điều đã diễn ra ở Thụy Điển, nơi những đứa trẻ vẫn tiếp tục đến trường”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Kentucky Rand Paul nhận định.
Trên thực tế, mặc dù Thụy Điển tránh được thảm kịch tồi tệ từng diễn ra tại Italy, Tây Ban Nha và Anh nhưng nước này vẫn trải qua tình trạng số ca tử vong tăng vọt, cao hơn nhiều so với những nước láng giềng.
Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy, những quốc gia thực hiện phong tỏa chỉ ghi nhận số ca tử vong ở mức 3 con số, trong khi số ca tử vong ở Thụy Điển đã lên đến hơn 3.700 người. Tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển hiện gấp 4 lần Đan Mạch và gấp 9 lần Na Uy.
Chiến lược chống Covid-19 của Thụy Điển chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của người dân trong việc tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và vệ sinh cơ bản, đã vấp phải chỉ trích của một số chuyên gia khi cho rằng đây là một “sự thí nghiệm nguy hiểm” với sinh mạng con người.
Theo Ourworldinsata.org, tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển trong 7 ngày qua là 6,25 ca trong số 1 triệu người. Đây là tỷ lệ cao nhất châu Âu, thậm chí cao hơn cả Anh với 5,75 ca trên 1 triệu người.
Ở Stockholm, nơi virus SARS-CoV-2 lan rộng trong cộng đồng người di cư, số ca tử vong cao gấp 2 lần so với tháng trước. Sự gia tăng này đã vượt xa số ca tử vong tăng lên tại một số thành phố ở Mỹ như Boston và Chicago, cũng như tiến gần đến mức tăng từng được chứng kiến tại Paris.
Thụy Điển không chỉ là nước lớn nhất khu vực Scandinavia, mà còn là nơi có hệ thống y tế công cộng chất lượng và tỷ lệ bất bình đẳng về y tế thấp.
Theo nhà nhân khẩu học Andrew Noymer tại Đại học California ở Irvine nhận định, “với một hệ thống y tế công cộng tốt như vậy, không có lý do nào Thụy Điển lại thể hiện tệ hơn Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan” trong cuộc chiến chống Covid-19.
Sai lầm nằm ở mắt xích yếu nhất
Hơn một nửa những người cao tuổi mắc Covid-19 ở Thụy Điển đã tử vong trong các viện dưỡng lão.
Cha của Lili Perspolisi là Reza Sedghi đã không được đưa tới bác sĩ vào ngày ông tử vong vì Covid-19 tại một viện dưỡng lão ở phía bắc Stockhom. Một y tá cho biết, ông Reza Sedghi đã được tiêm morphine một vài giờ trước khi ông qua đời nhưng ông không được thở oxy và các nhân viên đã không gọi xe cấp cứu.
“Không có ai ở đây cả và ông ấy đã ra đi trong đơn độc. Thật không công bằng”, Perspolisi cho biết.
Hầu hết số ca tử vong ở Thụy Điển là những người trên 70 tuổi, mặc dù nước này tuyên bố rằng việc bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao là ưu tiên hàng đầu.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã thừa nhận hồi tuần trước rằng: “Dù nỗ lực hết sức nhưng chúng tôi không thể bảo vệ những người dễ tổn thương nhất và những người cao tuổi”.
Thụy Điển đã cấm thăm các viện dưỡng lão vào ngày 31/3. Tuy nhiên, việc cung cấp các trang phục bảo hộ được cho là quá muộn và các nhân viên xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 có thể đã đến đây làm việc.
Hiện nay, ngày càng có nhiều nhân viên y tế công khai chỉ trích các nhà chức trách địa phương vì quy định không khuyến khích các nhân viên trong viện dưỡng lão đưa những người sống tại đây tới bệnh viện, cũng như không cho phép họ sử dụng bình oxy nếu không được sự cho phép của bác sĩ cả trong trường hợp chăm sóc tích cực lẫn trong các tình huống giảm nhẹ (giúp bệnh nhân bớt đau đớn vào cuối đời).
“Họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi không nên đưa bất kỳ ai tới bệnh viện thậm chí cả khi những người đó mới 65 tuổi và họ còn có thể sống thêm nhiều năm. Chúng tôi được yêu cầu không đưa họ đi”, Latifa Löfvenberg, một y tá từng làm việc tại một số viện dưỡng lão ở phía bắc Stockholm cho biết.
“Một số người vẫn còn có thể sống nhiều năm với những người mà họ yêu quý nhưng họ không may mắn… bởi họ chưa từng được đưa tới viện. Họ đã ngạt thở đến chết. Thật kinh khủng và khó khăn khi chứng kiến những điều như vậy”.
Löfvenberg hiện đang làm việc tại phòng bệnh chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở một bệnh viện lớn tại thủ đô của Thụy Điển. Cô cho biết số liệu về các bệnh nhân mà cô chăm sóc là bằng chứng cho thấy những người cao tuổi đã không được đưa đến bệnh viện.
Một nhân viên hỗ trợ y tế giấu tên làm việc tại Stockholm cũng nhận định với BBC rằng cô không nhận được cuộc gọi nào từ các viện dưỡng lão liên quan đến Covid-19.
Theo nhà báo Per Bergfors Nyberg của trang Euronews, các nhân viên làm việc trong các viện dưỡng lão không được đào tạo bài bản như những nhân viên y tế trong các bệnh viện. Các nhân viên trong những viện dưỡng lão cũng thường xuyên di chuyển và tiếp xúc với những bệnh nhân có thể đã mắc bệnh và từ đó vô tình khiến virus lây lan.
Tiếp tục theo đuổi chiến lược không phong tỏa?
Bất chấp tỷ lệ tử vong tăng cao, Thụy Điển vẫn kiên định theo đuổi chiến lược chống Covid-19 không phong tỏa.
Theo nhà dịch tễ học Thụy Điển Johan Giesecke, các lệnh phong tỏa chỉ là phương tiện trì hoãn những điều không thể tránh khỏi.
“Bạn sẽ đẩy các ca mắc bệnh và tử vong vào thì tương lai. Dịch Covid-19 sẽ không biến mất”, Giesecke nói.
Mặc dù các nhà chức trách y tế tại Tây Ban Nha và Italy cho rằng các biện pháp phong tỏa là cần thiết để làm giảm sự lây lan của dịch bệnh và ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế nhưng theo ông Giesecke, số ca mắc Covid-19 sẽ lại tăng khi châu Âu mở cửa trở lại, trong khi Stockholm sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 6.
“Rõ ràng tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển cao hơn nhiều so với một năm bình thường. Nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Sẽ có một sự khác biệt lớn nếu chúng ta tiếp tục chứng kiến số ca tử vong gia tăng trong 6 tháng tới hay sẽ quay trở lại mức độ bình thường trong một vài tuần”, nhà nhân khẩu học Martin Kolk tại Đại học Stockholm cho biết.
Các nhà chức trách y tế Thụy Điển vẫn bảo vệ chiến lược của họ, mặc dù thừa nhận rằng nước này đã không thể bảo vệ những người cao tuổi.
“Khi thực hiện phong tỏa, rất khó để thoát khỏi nó. Bạn sẽ mở cửa như thế nào? Khi nào?”, nhà dịch tễ học Thụy Điển Anders Tegnell đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, dù không phong tỏa toàn bộ, nhưng nền kinh tế Thụy Điển cũng không thoát khỏi những tác động nặng nề của đại dịch. Những thống kê sơ bộ cho thấy Thụy Điển đối mặt với sức ép về kinh tế tương tự như các nước thực hiện phong tỏa.
“Các mặt hàng về quần áo, giày dép và đồ thể thao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Một nửa các cửa hàng đã tổn thất ít nhất 40% doanh thu và cứ 1 trong 10 cửa hàng thì tổn thất 80% doanh thu”, Hans Tjernström Carraro thuộc Liên đoàn Thương mại Thụy Điển cho biết.
“Không thể nói rằng Thụy Điển đang ở vị trí tốt hơn trong cuộc khủng hoảng này”, ông Hans Tjernström Carraro nhận định./.
VOV (https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chon-nguoc-dong-thuy-dien-tra-gia-dat-trong-cuoc-chien-chong-covid19-1050456.vov)