Cách các thị trường ngăn người nước ngoài gom nhà đất

Chính phủ Singapore áp thuế tới 20%, New Zealand cấm người nước ngoài mua nhà để ổn định thị trường trong nước và đảm bảo nhà cho công dân.

Tháng 7/2018, chỉ vài ngày sau khi số liệu chính thức cho thấy giá nhà tư nhân lên đỉnh 4 năm trong quý II, Chính phủ Singapore thông báo nâng thuế thêm 5%, lên 12-15% với các công dân và người thường trú tại nước này khi mua thêm nhà thứ hai. Riêng người nước ngoài dù sở hữu bao nhiêu căn cũng sẽ phải trả thuế 20%, trong khi trước đây thuế là 15%.

Giới chức Singapore cho biết họ cần “hạ nhiệt thị trường bất động sản và giữ giá tăng hợp lý với nền tảng kinh tế”. Biện pháp này đã có tác dụng kiềm chế nhu cầu mua nhà. Tuy nhiên, giá nhà tư nhân tại đây bất ngờ lên đỉnh 5 năm trong quý II. Dù mức tăng chủ yếu do người mua trong nước, phân tích dữ liệu cho thấy nhu cầu nước ngoài vẫn tăng vọt.

Channel News Asia trích lời các hãng môi giới bất động sản cho biết dẫn đầu làn sóng rót tiền trở lại này là người mua từ Trung Quốc. Những năm gần đây, người mua Trung Quốc là tay chơi thống trị trên thị trường bất động sản nhà ở cao cấp tại Singapore, vượt mặt nhiều tài phiệt từ các nước lân cận như Malaysia hay Indonesia.

Các tòa nhà chung cư tại Singapore. Ảnh: Reuters

Các tòa nhà chung cư tại Singapore. Ảnh: Reuters

Một số mua nhà để làm tài sản an toàn trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong khi đó, số khác nảy sinh nhu cầu mới, do bất ổn chính trị tại Hong Kong – thị trường bất động sản truyền thống được giới đầu tư Trung Quốc ưa chuộng.

Tại Hong Kong, người mua Trung Quốc từ lâu bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến giá bất động sản thành phố này tăng gấp bốn kể từ năm 1997. Hong Kong hiện là thị trường địa ốc đắt đỏ nhất thế giới.

Vì thế, kể từ năm 2012, người Hong Kong khi mua nhà thứ hai phải trả 15% thuế. Người nước ngoài và các doanh nghiệp phải trả thêm 15% nữa. Để tránh đầu cơ, người mua bán trong vòng 3 năm còn phải thanh toán tối đa 20% thuế. Dù vậy, giá nhà tại Hong Kong gần đây đã hạ nhiệt, do biểu tình kéo dài và Covid-19 khiến người mua Trung Quốc giảm đáng kể.

New Zealand năm 2018 thì kích hoạt luật cấm hầu hết công dân nước ngoài mua bất động sản có sẵn tại đây, trừ Australia và Singapore do có hiệp định thương mại tự do. Mục tiêu là giảm tốc độ tăng giá nhà và tỷ lệ người vô gia cư.

Việc sở hữu nhà của người nước ngoài là tâm điểm chỉ trích nhiều năm qua tại New Zealand, khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, khiến giá trung bình tại thành phố lớn nhất nước – Auckland tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Reuters trích số liệu chính thức năm 2019 cho thấy tỷ lệ người nước ngoài mua nhà ở New Zealand khá thấp, chỉ chiếm khoảng 3% các giao dịch. Tuy nhiên, số liệu này không tính các bất động sản được mua thông qua các quỹ. Phần lớn khách mua nước ngoài ở đây đến từ Trung Quốc và Australia.

Dù vậy, tốc độ tăng giá nhà tại đây cũng đã giảm đáng kể từ năm 2017, một phần nhờ các chính sách hạn chế cho vay của ngân hàng trung ương. Chính phủ New Zealand cũng đã nới lỏng một lệnh cấm khác, cho phép người nước ngoài sở hữu tối đa 60% các căn hộ trong dự án chung cư mới. Họ chỉ không được phép mua nhà cũ.

Các căn nhà tại ngoại ô Sydney (Australia). Ảnh: Reuters

Các căn nhà tại ngoại ô Sydney (Australia). Ảnh: Reuters

Australia từ lâu cũng là điểm đến được ưa chuộng của người mua nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Dù vậy, nhu cầu vài năm gần đây bị kìm hãm do nước này nâng thuế với người mua ngoại quốc.

Tháng 6/2016, bang New South Wales đánh thuế 4% với người mua nước ngoài. Một tháng sau, bang Victoria cũng nâng thuế từ 3% lên 7%. Khi các chính sách này không có mấy tác dụng, New South Wales đã phải nâng gấp đôi thuế lên 8% năm 2017. Thuế đất với người mua nước ngoài tại đây cũng được nâng từ 0,75% lên 2%.

Người mua ngoại quốc, đặc biệt là Trung Quốc, luôn bị chỉ trích vì tạo ra cơn sốt bất động sản, khiến giá nhà tại Sydney (bang New South Wales) tăng gấp đôi kể từ năm 2009. Tháng 5/2017, bang này phải áp thêm “thuế nhà hoang” 5.000 đôla Australia mỗi năm, với những người không cho thuê hoặc bỏ trống nhà hoặc từ 6 tháng trở lên.

Năm 2016, người mua nước ngoài cũng đẩy giá tại Vancouver lên cao đến mức thành phố Canada này áp thuế 15% với người mua nước ngoài. Dù vậy, việc này vẫn không khiến người mua nản lòng. Vancouver đã nâng thuế lên 20% và áp thêm nhiều thuế khác năm 2018.

Một thành phố khác của Canada là Toronto cũng chứng kiến làn sóng người nước ngoài mua nhà tại đây. Năm 2017, chính quyền Ontario (có Toronto là thủ phủ) phải áp thuế 15% với người nước khác. Tính đến giữa năm 2018, chính sách này phần nào có tác dụng, khi số giao dịch với người nước ngoài giảm xuống.

Riêng tại Việt Nam, người nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng và mua bán đất. Dù vậy, một số cá nhân, tổ chức nước ngoài vẫn được sở hữu nhà ở. Đó là các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh; hoặc doanh nghiệp, quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Dù vậy, họ sẽ phải tuân thủ một số ràng buộc về hình thức sở hữu, các giấy tờ chứng nhận liên quan, hoặc một số quy định như sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Với nhà ở riêng lẻ, thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà. Thời hạn sở hữu cũng không được quá 50 năm.

Hà Thu

https://vnexpress.net/cach-cac-thi-truong-ngan-nguoi-nuoc-ngoai-gom-nha-dat-4101641.html

Có thể bạn quan tâm

Từ nay đến năm 2030 Bình Dương có thêm 10 khu công nghiệp

Các dự án khu công nghiệp này dự kiến hút thêm nguồn lực 1.100-1.200 tỷ …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *