Vài năm gần đây, bên cạnh các doanh nghiệp Nhật Bản hay Hàn Quốc thì các doanh nghiệp Thái Lan cũng nổi lên như là một trong những tay chơi tích cực nhất trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành hiện đã nằm dưới quyền kiểm soát của người Thái như Sabeco, Big C, xi măng Holcim, điện máy Nguyễn Kim, Nhựa Bình Minh…
Bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19, những thương vụ M&A mới vẫn liên tục được công bố trong thời gian gần đây như Super Energy mua lại cụm nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận, SCG muốn mua lại Bao bì Biên Hòa (SVI) và một thương vụ mới hoàn tất trị giá 240 triệu USD liên quan đến Cáp điện Thịnh Phát của doanh nhân Võ Tấn Thịnh.
Ngày 31/3/2020, Stark Corporation – tập đoàn sản xuất dây và cáp điện hàng đầu Thái Lan – đã hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, tiếp nhận quyền sở hữu cũng như thay thế các nhân sự quản lý đối với 2 doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam là CTCP Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable) và CTCP Kim loại màu và nhựa Đồng Việt (Dovina).
Stark kỳ vọng qua thương vụ này sẽ gia tăng quy mô thị trường để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực. Riêng tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng cáp điện cho các công trình lưới điện cũng như các công trình xây dựng vẫn rất lớn.
Thipha Cable được thành lập từ năm 1987 bởi doanh nhân Võ Tấn Thịnh , là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp tại Việt Nam bên cạnh một số thương hiệu lớn khác như Cadivi, Trần Phú, LiOA…
Đến cuối năm 2009, các cổ đông của ThiPha Cable thành lập Dovina để nhập khẩu và xử lý đồng và nhôm cho sản xuất dây và cáp điện. Dovina bán nguyên vật liệu đồng và nhôm cho ThiPha Cable cũng như các đối tác khác.
Đặc biệt, Stark đánh giá cao tình hình tài chính của ThiPha Cable và Dovina, kỳ vọng yếu tố này sẽ gia tăng tiềm lực cho tập đoàn. Số liệu tài chính hợp nhất của 2 công ty [trước giao dịch Thipha Cable và Dovina là 2 công ty độc lập được sở hữu chủ yếu bởi ông Võ Tấn Thịnh] cho thấy tại thời điểm 30/9/2019, bộ đôi này có tổng tài sản 4.700 tỷ và vốn chủ sở hữu 1.100 tỷ đồng.
Doanh thu hàng năm của Thipha Cable và Dovina vào khoảng 9.000 tỷ và lợi nhuận khoảng 200-300 tỷ/năm. Trong 9 tháng năm 2019, 2 công ty này đạt hơn 7.100 tỷ doanh thu và lợi nhuận tăng vọt lên 345 tỷ đồng.
So về doanh thu, bộ đôi này có doanh thu nhỉnh hơn so với Cadivi nhưng lợi nhuận có phần kém hơn. Mặc dù về thương hiệu và hiệu quả kinh doanh đều có phần nhỉnh hơn nhưng hiện vốn hóa thị trường của Cadivi chỉ đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng – kém xa mức giá 240 triệu USD, tương đương khoảng 5.600 tỷ đồng mà Stark chi trả để mua lại Thipha Cable và Dovina.
Tuy vậy với việc thanh khoản của Cadivi rất thấp do công ty mẹ Gelex đang nắm giữ tới 96% cổ phần thì mức giá trên sàn có thể không phản ánh đúng giá trị. Một thông tin đáng chú ý là vào năm 2016, ông chủ cũ của Thipha Cable – ông Võ Tấn Thịnh đã được đề cử vào Hội đồng quản trị của Gelex nhưng không thành công.
Trước khi bán lại công ty cho phía Stark, ông Võ Tấn Thịnh nắm giữ 99,98% cổ phần của Thipha Cable và 76,79% cổ phần của Dovina. Với tỷ lệ sở hữu như vậy, số tiền mà doanh nhân sinh năm 1962 này thu về chắc chắn không dưới 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất cáp điện, Thịnh Phát từng xác định một trụ cột khác là đầu tư bất động sản với dự án tiêu biểu là khu công nghiệp Thịnh Phát tại Long An. Với khoản tiền không nhỏ vừa thu được, không loại trừ khả năng ông Võ Tấn Thịnh sẽ nổi lên thành một nhà đầu tư đình đám trong lĩnh vực bất động sản khi mà không ít doanh nghiệp lớn nhỏ đang gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của dịch bệnh.