Khi giá dầu giảm, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp này có nguy cơ suy thoái, song lại là thời cơ cho các quốc gia như Trung Quốc, theo BBC.
Không khó hiểu khi giới đầu tư luôn gọi dầu mỏ là “vàng đen”. Khi giá dầu tăng cao, doanh thu mang về cho các công ty khai thác dầu và chính phủ tại quốc gia đó là không hề nhỏ. Ngược lại, khi dầu trượt dốc, hậu quả để lại là khó thể lường trước.
Phiên giao dịch đầu ngày 20/4 (theo giờ Mỹ) đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử khi lần đầu tiên giá dầu giao dịch ở mức âm. Theo BBC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế trước đó đã cảnh báo Ecuador, Nigeria và Iraq là những quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng giá dầu.
Cơ quan này giả định nếu giá dầu là 30 USD/thùng, thu nhập từ việc sản xuất dầu mỏ tại các quốc gia này sẽ giảm từ 50-85%. Nhưng thực tế, giá dầu hiện tại còn chưa tới 15 USD/thùng.
Lần đầu tiên giá dầu giao dịch ở mức âm trong phiên đầu ngày 20/4. Ảnh: New York Times. |
Nhiều quốc gia có nền kinh tế khá mong manh, đều phụ thuộc lớn vào ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ. Theo BBC, công nghiệp nhiên liệu chiếm 98,5% doanh thu xuất khẩu của Iraq. Chúng bao gồm đá quý, kim loại quý, trái cây và các loại hạt.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo, rất có thể nước này sẽ bị thâm hụt khoảng 50 tỷ USD trong năm nay. Chưa tính đến việc chi trả lương cho công chức, ngân sách thâm hụt sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của quốc gia Trung Đông này, đặc biệt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Ả Rập Saudi – một trong những quốc gia chế xuất dầu lớn nhất thế giới, cũng có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp này. Các chuyên gia ước tính vụ khủng hoảng giá dầu lần này có thể thổi bay ít nhất 100 tỷ USD của Ả Rập Saudi.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng giá dầu phải đạt ít nhất 85 USD/thùng mới có thể cứu cánh cho chi tiêu của nước này. Trước đó, Ả Rập từng hạ giá dầu xuống thấp kỷ lục nhằm thu hút thị phần với Nga – một quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cân nhắc về việc hỗ trợ cho ngành dầu khí nước này, bên cạnh khoản trợ cấp trị giá 650 tỷ USD dành cho ngành nhiên liệu hóa thạch.
Bất chấp nhiều vấn đề nảy sinh từ hệ thống lưu trữ và phân phối dầu mỏ ở Mỹ khiến giá quy chuẩn của WTI bị ảnh hưởng ít nhiều, ngành công nghiệp sản xuất dầu thô ở Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn so với nhiều quốc gia khác. “Và điều này sẽ giúp Mỹ ít bị tổn thương hơn trong cuộc khủng hoảng giá dầu”, tờ BBC nhận định.
Về lý thuyết, giá dầu giảm sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và các xí nghiệp. Song ở thời điểm hiện tại, đến cả nền kinh tế số một thế giới đang trong hạn chế đi lại và ngưng trệ hoạt động sản xuất do dịch virus corona chủng mới – có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc) – thì sự lao dốc của giá dầu lại gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Mặt khác, Trung Quốc lại là quốc gia được hưởng lợi từ khó khăn của ngành dầu mỏ. Trung Quốc vốn là khách hàng có thị phần lớn nhất trong thị trường dầu mỏ, chiếm 20% lượng dầu nhập khẩu trên toàn thế giới.
Giới truyền thông mới đây còn nhận định nước này lợi dụng giá dầu chạm đáy để lên kế hoạch mua ồ ạt dầu mỏ vào kho dự trữ quốc gia.
Hương Giang
https://zingnews.vn/ai-thua-thiet-ai-huong-loi-tu-khung-hoang-gia-dau-post1075949.html