Đó là những chia sẻ về tình hình thị trường BĐS của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh những khó khăn và thách thức đối với BĐS Việt Nam hiện nay.
Thưa ông, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản?
Ông Nguyễn Văn Đính: Cách ly xã hội và không tiếp xúc đã dẫn đến hàng loạt nhà hàng, cửa hàng, khách sạn, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng…từ vắng khách đến dừng hoạt động. Toàn dân trong tâm trạng phải lo chống đỡ dịch bệnh nên gần như không có động thái trao đổi mua bán BĐS trên thị trường. Khai thác kinh doanh BĐS sau đầu tư cũng trầm lắng thê thảm vì hàng loạt cửa nhà hàng, TTTM và văn phòng.
Tình trạng trên cho thấy sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Hệ quả tất yếu là hàng loạt sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa, môi giới bất động sản nghỉ việc, thất nghiệp. Trong tháng 2 có khoảng 300/1000 sàn BĐS trên cả nước phải đóng cửa, con số này tăng lên 80% trong tháng 3. Đến nay chỉ còn khoảng 200 sàn vẫn đang duy trì hoạt động, nhưng phải chuyển phương án làm việc online tại nhà.
Đối với các doanh nghiệp BĐS, họ đang phải đương đầu với những khó khăn và thách thức như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đính: Có thể thấy doanh nghiệp phát triển hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng đang gặp thiệt hại nặng nề nhất. Do đầu tư để kinh doanh dài hạn mà cơ sở kinh doanh lại tê liệt, tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến khủng hoảng, phá sản.
Còn DN phát triển bất động sản nhà ở không bán được hàng không thể đầu tư phát triển công trình có thể dẫn đến: Dự án chậm tiến độ, vi phạm cam kết như bàn giao nhà, trả vốn và lãi cho ngân hàng, nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương cho nhân viên và nhiều hệ quả xấu khác. Những vấn đề trên đều làm cho DN gặp rủi ro với về tín dụng, vốn, phạt vi phạm.
Hiện tại chỉ còn khoảng 200 sàn vẫn đang duy trì hoạt động, nhưng phải chuyển phương án làm việc online tại nhà.
DN phân phối BĐS thì hết nguồn hàng để bán có thể dẫn đến phải nghỉ lâu dài vì khó tiếp cận nguồn hàng mới. Khó bán được hàng trong bối cảnh dịch covid-19, trong khi vẫn phải duy trì bộ máy đội ngũ nhân sự bán hàng (nhân sự đã được đào tạo và thuộc tập khách hàng phù hợp sản phẩm chào bán), vẫn phải trả lãi ngân hàng, bị phạt vi phạm tiến độ bán hàng, vẫn phải trả tiền quảng cáo tiếp thị trong thời gian không bán được hàng, trả tiền mặt bằng kinh doanh…
Nhìn chung nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều DN có nguy cơ phá sản, vỡ nợ. Bởi giá trị các dự án bất động sản, sản phẩm rất lớn từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn lại là từ vay ngân hàng là chính (khoảng 70%).
Trong tình thế khó khăn như vậy, cần có giải pháp gì giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp không?
Ông Nguyễn Văn Đính: Chúng tôi đã có nhiều kiến nghị lên Chính phủ, các ban, bộ ngành về các giải pháp lúc này:
Về hỗ trợ nguồn vốn: chúng tôi kiến nghị ngân hàng có chính sách khoanh nợ gốc, cho chậm trả, hỗ trợ chưa phải trả lãi vay.
Về thuế, cho các doanh nghiệp được giãn các khoản thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội đến khi nào hết dịch và sau dịch một thời gian để DN có vốn phát triển, hỗ trợ cho người lao động.
Về chính sách pháp luật, chúng tôi đề xuất tháo gỡ các vướng mắc trong các quy định pháp luật cho các dự án BĐS. Vấn đề này cũng đã được xử lý một phần như ban hành Nghị định 25 để tăng nguồn cung cho thị trường. Tôi đề xuất cho hồi tố quy định tại Khoản 3 điều 8 Nghị định 20 của Bộ Tài chính cho DN kể từ năm 2017.
Ngoài ra, tôi kiến nghị để phát triển nhà xã hội đang khan hiếm, cần bù lãi suất cho các ngân hàng nhà nước để cho vay phát triển các dự án nhà ở xã hội. Mở thêm room bán nhà cho người nước ngoài ở phân khúc căn hộ cao cấp vì dòng sản phẩm này phù hợp với đối tượng người nước ngoài hơn là khách trong nước, làm tăng thanh khoản, giảm tồn kho.
Xin cám ơn ông!
Theo Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/pho-chu-tich-hoi-moi-gioi-bds-khoang-80-san-giao-dich-da-phai-dong-cua-vi-dich-covid-19-4202015485540306.htm)