Sau những thành công bước đầu về công tác chống Covid-19, người Trung Quốc lấy lại niềm tin và ồ ạt đi du lịch, mua sắm hàng hóa khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Người Trung Quốc đã bắt đầu quay lại cuộc sống bình thường sau thời gian dài cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 từ cuối tháng một. Đây được xem là đòn bẩy giúp thúc đẩy kịp thời cho nền kinh tế đang lâm nguy.
Nhu cầu du lịch, mỹ phẩm, thiết bị ngoài trời và thực phẩm tại Trung Quốc đang gia tăng trong vài tuần gần đây, sau khi các chính sách kích cầu bắt đầu có hiệu lực. Người lao động đã quay trở lại văn phòng và nhà máy. Chính phủ nới lỏng các lệnh hạn chế di chuyển đối với người dân.
Lượt đặt vé tàu, xe đã tăng hơn 50%, lượt đặt phòng khách sạn cũng tăng 60% trong ba ngày từ 4/4 đến 6/4, theo Trip.com, hãng đặt vé du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Hãng thương mại điện tử Pinduoduo cũng cho biết số lượng đơn đặt hàng bán lẻ trực tuyến bùng nổ.
Khách du lịch đến ngắm hoa đào tại vịnh Giao Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào lễ Thanh Minh cuối tuần trước. Ảnh: People Daily. |
“Tiêu dùng được dự đoán sẽ tăng dần vì số ca nhiễm Covid-19 mới không tăng lên. Các chính sách của chính phủ cũng củng cố xu hướng này”, chuyên gia phân tích Zhang Kailin tại Dongxing Securities nhận định.
Sự tăng trưởng chi tiêu cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang bắt đầu vực dậy. Tháng trước, sản xuất tại các công ty lớn bất ngờ tăng trưởng sau khi sụt giảm mạnh vào tháng hai. Trong khi đó, doanh số bán nhà cũng phục hồi.
Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cuối năm ngoái khiến hơn 82.000 người nhiễm bệnh, trong đó hơn 3.300 người tử vong. Nhưng vài tuần gần đây, Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả chống dịch khi các ca nhiễm nội địa giảm dần. Sự lạc quan về tình hình kiểm soát dịch trong đại lục là điều kiện giúp nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Theo chuyên gia phân tích Wenli Zheng tại T. Rowe Price có trụ sở ở Hong Kong nhận định Trung Quốc có thể dẫn đầu sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19, bởi việc triển khai cho người lao động làm việc ở nhà tránh dịch vài tháng trước đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và các dịch vụ liên quan.
“Nhiều lĩnh vực kinh tế bị gián đoạn ngắn hạn nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu cơ bản trong trung hạn. Chẳng hạn như phần cứng thiết bị công nghệ, thiết bị nhà cửa, ôtô và đồ thể thao. Chúng tôi cho rằng nhu cầu bị dồn nén có thể được tăng tốc trong vài quý tới”, ông Zheng nói thêm.
Hàng ngàn người Vũ Hán chờ tàu rời thành phố hôm 8/4. Ảnh: Reuters. |
Theo Trip.com, nhu cầu mua vé đến các điểm du lịch nội địa đã tăng hơn 200% trong tuần qua. Truyền thông Trung Quốc đưa tin một số điểm thu hút khách du lịch tràn ngập đám đông trong lễ Thanh Minh vào tuần trước.
Doanh số mỹ phẩm trực tuyến cũng tăng nhanh nhờ các chương trình khuyến mãi. Nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc da Lin Qingxuan ghi nhận mức tăng doanh số 147% hôm 8/3 vừa qua. Pinduoduo cũng ghi nhận hơn 50 triệu đơn đặt hàng bán lẻ mỗi ngày kể từ giữa tháng 3, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng như son môi, phấn mắt, bút kẻ lông mày được săn lùng nhiều nhất.
Tiêu thụ thực phẩm trên toàn quốc tăng 24%, theo thống kê của Fanli.com, một trang web mua sắm có trụ sở tại Thượng Hải cho phép người mua hàng giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Ngoài các nhu yếu phẩm hàng ngày như mua quần áo và thiết bị ngoài trời cũng được săn lùng nhiều nhất.
Tuy nhiên câu hỏi lớn đặt ra là việc mua sắm có thể tiếp tục đến bao giờ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế bởi các quốc gia như Nhật Bản và Singapore chỉ mới bắt đầu thắt chặt những biện pháp ngăn chặn đại dịch. Theo ước tính của giới chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc có thể sụt giảm 5,1% trong quý trước.
“Vẫn cần thời gian để niềm tin tiêu dùng trung và dài hạn quay trở lại. Lý do chính là nỗi bất an về đại dịch trong nước và toàn cầu”, nhà phân tích Chen Ke tại Công ty tư vấn Roland Berger China nhận xét.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã sụt giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm nay, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Doanh số lĩnh vực dịch vụ giảm đến 43,1%, trong khi doanh số xe hơi, khí đốt và hàng may mặc cũng rơi tự do, trong đó doanh số bán xe giảm 79% vào tháng 2 dù có các ưu đãi trợ cấp.
“Người tiêu dùng đang trì hoãn nhu cầu trung đến dài hạn và không tăng chi tiêu”, ông Chen nói thêm.
Theo Li Ang, chuyên gia phân tích tại China Galaxy Securities, mức tăng tiêu dùng nội địa trong quý II/2020 còn hạn chế và “việc tăng trưởng tiêu dùng của cả năm vẫn còn chịu nhiều áp lực”.
Sơn Nam (Theo SCMP)
link gốc: https://ngoisao.net/thuong-truong/nguoi-trung-quoc-do-xo-mua-sam-du-lich-4082233.html