Mới đây, Thế giới di động (MWG) đã có công văn gửi các đối tác xin điều chỉnh, miễn giảm chi phí thuê mặt bằng để phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế do tác động của dịch COVID-19 đối với chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh. Trong đó, MWG mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong việc (1) điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng và (2) miễn phí chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
Động thái này gây ra nhiều luồng ý kiến trong dư luận, nhiều quan điểm cho rằng MWG “lợi dụng” thế mạnh để xin mức giảm lên đến 50% là không “fair” với các đơn vị cho thuê. Ngược lại, một số khác bày tỏ sự đồng thuận với MWG khi chi phí mặt bằng đang là một áp lực cực kỳ lớn giữa bối cảnh tình hình kinh doanh chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và không đoán định được thời gian kết thúc, mức độ ảnh hưởng.
Ghi nhận, không chỉ Thế giới Di động, nhiều thương hiệu khác từ F&B, bán lẻ… cũng đóng cửa nhiều đơn vị trong vùng dịch, khu vực không còn nguồn thu để đảm bảo an toàn đồng thời thu hẹp quy mô, bảo toàn hoạt động giữa dịch bệnh.
Vua nệm: Khoảng 40% đơn vị cho thuê đồng ý hỗ trợ miễn giảm
Tiếp nối, hàng loạt chuỗi mới đây cũng gửi công văn yêu cầu được giảm tiền thuê. Trong đó, chia sẻ với chúng tôi, đại diện chuỗi bán lẻ Vua Nệm cho biết đã gửi công văn cho tất cả các chủ mặt bằng từ ngày 11/3, xin giảm 25% chi phí thuê 3 tháng.
Sau khi nhận được công văn xin giảm giá thì khoảng 40% các chủ nhà sẵn lòng hỗ trợ. Đặc biệt, các chủ nhà ở Đà Nẵng hộ trợ tới 25%.
Ngày 31/3 và 1/4, phối hợp cùng Mekong Capital, Vua Nệm đã quyên góp 333 chiếc nệm (tương đương 160 triệu đồng) cho các bệnh viện ở Tp. HCM và Hà Nội, nhằm giảm tình trạng thiếu giường ngủ giữa đại dịch COVID-19.
Vua Nệm cũng tiếp tục gửi lần 2 xin miễn phí thuê tháng 4 (do tạm đóng cửa theo chỉ thị 16 Chính phủ). Tuy nhiên, một số chủ mặt bằng, đặc biệt là các chủ nhà ở Tp.HCM đưa ra những điều kiện vô cùng khó đáp ứng do dòng tiền trì trệ như đóng tiền 12 tháng giảm 1 tháng; đóng liền 2 tháng tiếp theo mới giảm giá; không giảm giá và vẫn phải đóng phí dịch vụ trong thời gian tạm đóng cửa; hoặc xin ý kiến rất lâu nhưng không có phản hồi.
Siêu thị nội thất BAYA: Đã 3 lần gửi công văn kêu gọi được giảm, miễn tiền thuê
Với hệ thống siêu thị nội thất BAYA, từ trong tháng 3, để chủ động phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp đã chủ động đóng cửa cửa hàng, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị cho thuê mặt bằng, đề nghị giảm 30-50% giá thuê mặt bằng trong các tháng tiếp theo. Tính đến ngày 28/3, doanh nghiệp đã gửi thư lần 2 và 3 tìm kiếm sự thông cảm, hỗ trợ từ các đối tác.
Đáp lại, các yêu cầu từ phía đơn vị cho thuê cũng vô cùng khó khăn: từ việc phải gửi công văn lên lãnh đạo, quy trình xem xét nhiêu khê, chỉ làm việc thông qua trung gian, từ chối làm việc trực tiếp cùng doanh nghiệp… Cho đến nay, đã có một số đơn vị phản hồi và đồng ý hỗ trợ, rất tích cực phản hồi và thảo luận các phương án cùng giảm thiểu thiệt hại cho đôi bên, với mong muốn cùng song hành và đối mặt khó khăn.
Ngược lại, vẫn có các đơn vị im lặng hoặc từ chối trao đổi, việc này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh, phía BAYA cho hay.
Ụt Ụt: Thậm chí phải hoãn hợp đồng thuê mặt bằng, chấp nhận mất cọc để bảo toàn thanh khoản
Hay chuỗi nhà hàng Ụt Ụt, “cùng chung ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, chuỗi nhà hàng chúng tôi đã và đang đứng trước áp lực rất lớn để duy trì hoạt động kinh doanh của công ty. Trước mắt là về nguồn chi để đảm bảo hỗ trợ lương cho công nhân viên. Trong đầu tháng 3 chúng tôi cũng có liên lạc với các chủ cho thuê mặt bằng thương thảo và nhận được sự hỗ trợ giảm tiền thuê nhà trong vòng 1 tới 3 tháng với tỷ lệ từ 15% tới 30% một tháng”, thông báo quán ghi nhận.
Sau đó, khi có thông báo của UBND Thành phố về việc ngưng hoạt động tất cả các nhà hàng từ ngày 24/3/2020, Ụt Ụt cũng có làm công văn gửi tới các chủ cho thuê mặt bằng xin tạm hoãn hợp đồng theo điều khoản bất khả kháng.
Nhiều mặt bằng chuỗi phải buộc trả lại chấp nhận mất 1 phần tiền cọc và chi phí đầu tư nhưng chủ cho thuê vẫn làm khó dễ và thay đổi ý kiến liên tục về việc hoàn trả lại đặt cọc với những lý do không rõ ràng.
“Trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, chúng tôi vừa nỗ lực mỗi ngày để phát triển sản phẩm sáng tạo và chất lượng dịch vụ giao hàng tận nơi để tạo doanh thu vừa đau đáu trước tình cảnh vài trăm lao động không có nguồn thu nhập hay lương hỗ trợ ngừng việc trong tình hình khó khăn hiện tại. Do đó, chúng tôi rất hy vọng các chủ cho thuê mặt bằng chấp thuận các đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này“, chuỗi nhấn mạnh.
F88: Nỗ lực giảm chi phí mặt bằng
Một tên tuổi được quan tâm khi liên tục phát hành vốn và nhận được đầu tư từ hoa hậu Mai Phương Thúy từ đầu năm 2019 đến nay, cuối tháng 3, chuỗi cầm đồ F88 cũng đã gửi công văn từ Chính phủ và gửi công văn từ F88 đến các chủ nhà. Các nhân viên F88 cũng đã trao đổi với từng chủ nhà để xin được miễn giảm và hiện đã được 2/3 chủ nhà đồng ý giảm, có nơi miễn hẳn tiền thuê nhà 2 tháng. F88 tin tưởng rằng các chủ nhà sẽ cảm thông và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thời kỳ dịch bệnh này.
PNJ: Đàm phán thành công được 40% tổng chủ nhà, có nơi miễn phí hoàn toàn
Hay trong chia sẻ mới nhất, PNJ cho hay đến nay đã và đang nhận được sự đồng ý giảm tiền thuê mặt bằng từ các chủ nhà lên đến 40%. Tỷ lệ tiết giảm đồng ý từ 15%, có nơi lên đến 100%.
PNJ cho biết sẽ tiếp tục đàm phán để giảm tiền thuê mặt bằng cũng như tiết giảm các chi phí khác.
Theo Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/ngam-don-covid-19-hang-loat-he-thong-pnj-vua-nem-f88-xin-mien-hoac-giam-30-50-tien-mat-bang-tham-chi-dung-hop-dong-va-chap-nhan-mat-coc-420209416653355.htm)