Cách hạn chế tranh chấp do vi phạm hợp đồng vì Covid-19

Covid-19 xảy ra khiến nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp, trong đó có nguy cơ vi phạm nghĩa vụ tại hợp đồng thương mại.

Luật sư Đạt Nguyễn.

Luật sư Đạt Nguyễn.

Những tranh chấp phổ biến có thể xảy ra như: vi phạm thời gian giao hàng; vi phạm nghĩa vụ không giao đúng, đủ số lượng hàng hóa; nghĩa vụ thanh toán; vi phạm các thỏa thuận khác ghi trong hợp đồng… Vậy, doanh nghiệp phải làm sao để được miễn trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và cần làm gì để hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các tranh chấp hợp đồng trong và sau Covid-19?

Trước tiên, doanh nghiệp cần xác định Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng để mình có thể được áp dụng để miễn trừ trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng thương mại hay không?

Theo Bộ luật Dân sự 2015 “sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Điều kiện để được áp dụng sự kiện bất khả kháng?

Doanh nghiệp cần căn cứ quy định tại hợp đồng. Nếu có điều khoản quy định về sự kiện bất khả kháng và hậu quả pháp lý khi xảy ra sự kiện đó, các bên thực hiện theo thỏa thuận.

Ví dụ, có hợp đồng có điều khoản quy định: “Bất khả kháng” là những việc xảy ra ngoài mong muốn và vượt quá sự kiểm soát hợp lý của các bên, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành như: động đất, thiên tai, dịch bệnh, sự thay đổi về chính sách, các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Không bên nào phải chịu trách nhiệm với việc không thực hiện hoặc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng này nếu như có nguyên nhân từ trường hợp bất khả kháng”. Như vậy, nếu một trong hai bên không thể thực hiện được nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng này vì lý do bất khả kháng phải thông báo bằng văn bản để hai bên có phương án giải quyết.

Có trường hợp hợp đồng không quy định điều khoản về trường hợp bất khả kháng. Khi đó, các bên có thể viện dẫn quy định của pháp luật để giải thích và áp dụng. Bởi điểm b khoản 1, điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định: Việc xảy ra sự kiện bất khả kháng thuộc trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm.

Như vậy, để được áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng, cần đáp ứng đủ ba điều kiện: xảy ra một cách khách quan (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền..), không thể lường trước và không thể khắc phục.

Với sự việc xảy ra trong Covid-19, nhiều doanh nghiệp có thể đã thỏa mãn điều kiện một và hai. Tuy nhiên điều kiện ba cần phải được xem xét và phân tích trong các trường hợp cụ thể. Điều kiện ba được thỏa mãn và Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng nếu các bên chứng minh được “không thể khắc phục được tình hình mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình”
.

Khi đó, nếu chứng minh được Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng với mình, các bên hoàn toàn có thể được miễn trừ nghĩa vụ nếu vi phạm hợp đồng.

Để được miễn trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các tranh chấp hợp đồng trong và sau Covid-19, doanh nghiệp nên thực hiện những điều sau:

Thứ nhất, xem xét lại hợp đồng để xác định rõ tình trạng pháp lý làm căn cứ giải quyết.

Thứ hai, thu thập chứng cứ chứng minh là đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được.

Thứ ba, cần thông báo kịp thời bằng văn bản cho bên kia biết về trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được nghĩa vụ của hợp đồng.

Thứ tư, cần đưa ra phương án, đề xuất giải quyết hậu quả pháp lý. Các bên có thể kéo dài thời hạn hoặc từ chối thực hiện hợp đồng theo điều 296 Luật Thương mại 2005. Việc kéo dài thời hạn theo điều luật này có thể lên tới 8 tháng.

Đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Việt Nam cũng là thành viên của Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy Công ước này không sử dụng thuật ngữ “sự kiện bất khả kháng”, nhưng có quy định “một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của mình nếu anh ta chứng minh rằng việc không thực hiện nghĩa vụ đó là do sự cản trở ngoài tầm kiểm soát của anh ta và rằng anh ta không thể được trông đợi một cách hợp lý là đã lường trước các trở ngại này tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc đã tránh hoặc khắc phục nó hoặc hậu quả của nó”.

Điều này cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 “trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

Sự kiện bất khả kháng là vấn đề pháp lý quan trọng, khi ký kết hợp đồng kinh doanh – thương mại các bên cần đưa điều khoản này vào hợp đồng, xác định rõ các yếu tố của sự kiện bất khả kháng và có thể thỏa thuận các trường hợp cụ thể được xem là bất khả kháng, các trường hợp cụ thể được miễn trừ trách nhiệm.

Khi xảy ra sự kiện xét thấy có khả năng là sự kiện bất khả kháng có thể dẫn tới hậu quả vi phạm hợp đồng, doanh nghiệp thực hiện các bước nêu trên để có thể được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, giảm thiểu thiểu thiệt hại cũng như hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tranh chấp.

Luật sư Đạt Nguyễn

https://vnexpress.net/phap-luat/cach-han-che-tranh-chap-do-vi-pham-hop-dong-vi-covid-19-4072582.html

Có thể bạn quan tâm

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *