Thế giới lao đao khi Covid-19 lan rộng

Thị trường tài chính trên khắp thế giới lao dốc trong khi khoảng 1/4 dân số Italy bị áp lệnh phong tỏa để ngăn sự bùng phát của Covid-19.

Khoảng 16 triệu người ở vùng Lombardy, bao gồm thủ phủ Milan, và 14 tỉnh miền bắc Italy, trong đó có thành phố nổi tiếng Venice, bị áp lệnh phong tỏa từ ngày 8/3 để ngăn Covid-19, giống như cách Trung Quốc từng làm khi dịch bùng phát.

Hàng chục triệu người bị cách ly trên toàn thế giới, nhưng nỗi sợ dịch tiếp tục lan rộng và các lệnh phong tỏa có thể đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.

Nhân viên thu dọn bàn ghế trong quán Cafe Florian ở quảng trường Saint Mark, thành phố Venice hôm 8/3. Ảnh: AFP

Nhân viên thu dọn bàn ghế trong quán Cafe Florian ở quảng trường Saint Mark, thành phố Venice hôm 8/3. Ảnh: AFP.

Nỗi sợ Covid-19 đã phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán châu Á khi phiên giao dịch tuần này mở cửa, với sự sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thị trường chứng khoán ở Tokyo đã giảm hơn 5%, trong khi ở Sydney là 7,3%, làm “bốc hơi” hàng tỷ đôla trong tổng giá trị của các công ty sau nhiều tuần thua lỗ.

Hơn 110.000 người ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ bị nhiễm nCoV, trong khi cuộc sống của rất nhiều người khác bị gián đoạn do trường học đóng cửa, người dân đổ xô tích trữ nhu yếu phẩm và lệnh hạn chế đi lại được áp đặt.

Với lệnh phong tỏa mới ở Italy, cảnh sát đang kiểm soát nghiêm ngặt ở các ga tàu, cấm xe lưu thông trên các con đường chính, tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Milan, tạm giam ba tháng hoặc phạt 233 USD với bất kỳ ai vi phạm.

Ngoài Italy, nhiều người lo ngại rằng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể là điểm nóng Covid-19 tiếp theo. Ít nhất 22 người tử vong và hơn 550 người bị nhiễm nCoV ở Mỹ, với 30 trong tổng số 50 bang bị ảnh hưởng.

Một loạt chính trị gia đảng Cộng hòa cho biết họ nằm trong số những người từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả cựu ứng viên tổng thống Ted Cruz và Chủ tịch Liên minh Bảo thủ Mỹ (ACU) Matt Schlapp, người mới đây đã tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump.

Cruz tiết lộ ông đã vô tình bắt tay với người nhiễm nCoV tại Hội nghị hành động chính trị bảo thủ tại bang Maryland 10 ngày trước.

“Tôi quyết định tự cách ly ở nhà riêng tại Texas cho tới khi đủ 14 ngày”, ông viết trong bài đăng Facebook và thêm rằng không xuất hiện triệu chứng bệnh.

Số ca nhiễm ở Mỹ tăng lên khi chính quyền Trump lộ nhiều bất đồng trong xử lý du thuyền Grand Princess ở ngoài khơi bờ biển California. 21 trong 3.500 người có mặt trên du thuyền được xác định dương tính với nCoV. Du thuyền dự kiến cập cảng ở Oakland hôm nay nhưng Trump cho rằng tất cả mọi người không nên rời tàu.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Mỹ Ben Carson cho biết đã có kế hoạch ứng phó tiếp theo khi du thuyền cập cảng nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Cửa hàng Starbucks Reserve ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ đóng cửa. Ảnh: NY Times.

Cửa hàng Starbucks Reserve ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ đóng cửa. Ảnh: NY Times.

Tổng thống Trump, người bị cáo buộc không công bố thông tin chính xác về sự bùng phát của Covid-19 ở Mỹ, chỉ trích truyền thông đang bôi xấu hình ảnh chính quyền của ông.

“Chúng tôi đang phối hợp hành động một cách hoàn hảo và đưa ra kế hoạch phù hợp tại Nhà Trắng để đối phó với Covid-19”, Trump viết trên Twitter.

Nhà nghiên cứu thị trường tại ANZ Bank, công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia, cho rằng phản ứng của Trump càng làm tăng thêm sự hoảng loạn cho thị trường tài chính toàn cầu, cùng với đó là cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất dầu khi chứng kiến sự sụp đổ của thị trường năng lượng vào hôm nay.

“Phản ứng chậm chạp của Mỹ đối với Covid-19 để đưa ra biện pháp phòng ngừa, thiếu minh bạch về chính sách ngăn dịch và sự yếu kém của truyền thông về y tế cộng đồng, càng gieo rắc thêm nỗi sợ cho các thị trường trên thế giới”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Báo cáo của Hội nghị Thương mại, Đầu tư và Phát triển Liên Hợp Quốc cảnh báo sự lây lan của Covid-19 có thể làm giảm 15% giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu khi các doanh nghiệp quốc tế quay cuồng ứng phó với dịch bệnh.

Một số ngân hàng trung ương đã phải can thiệp để thúc đẩy nền kinh tế bị đình trệ và các chính phủ được kêu gọi đưa ra các biện pháp kích thích.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Hàn Quốc, hai nền kinh tế lớn của thế giới, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy Covid-19 đạt đỉnh.

Trung Quốc cho biết đã đóng cửa hầu hết bệnh viện dã chiến ở tâm dịch Vũ Hán khi số ca nhiễm mới ở nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 1, với chỉ 40 ca nhiễm mới trên toàn quốc, theo Cơ quan Y tế Quốc gia.

Trong khi đó, Hàn Quốc, ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong hai tuần. 248 ca nhiễm được báo cáo hôm qua, nâng tổng số người nhiễm nCoV của quốc gia này lên 7.382, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).

Thanh Tâm (Theo AFP)

link gốc: https://vnexpress.net/the-gioi/the-gioi-lao-dao-khi-covid-19-lan-rong-4066489.html

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Người Việt Nam mạnh về mua xổ số, đầu tư dựa vào may mắn, chứ không đầu tư bằng tri thức

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *