Tỷ phú Vũ Hán bao 5 chuyên cơ vật tư y tế, xây 7 bệnh viện điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân giữa tâm dịch Covid-19

Năm 2019, tỷ phú này được tạp chí Forbes xếp thứ 334 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới, và là tỷ phú giàu thứ 153 ở Trung Quốc, với khối tài sản lên đến 5,3 tỷ USD.
Tỷ phú Vũ Hán bao 5 chuyên cơ vật tư y tế, xây 7 bệnh viện điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân giữa tâm dịch Covid-19

Diêm Chí, sinh năm 1972, là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Trác Nhĩ (Zall Smart Commerce Group), Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hán Thương. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Trung Quốc khóa 13, Chủ tịch Liên hiệp Công thương Vũ Hán, Hội trưởng Tổng Thương hội Vũ Hán,.

Năm 2019, tỷ phú này được tạp chí Forbes xếp thứ 334 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới, và là tỷ phú giàu thứ 153 ở Trung Quốc, với khối tài sản lên đến 5,3 tỷ USD. Ông cũng được Forbes xếp thứ 37 trong danh sách các nhà từ thiện lớn nhất Trung Quốc.

Từ cuộc săn lùng vật tư phòng dịch “mua bằng mọi giá”

Tỷ phú Diêm Chí những ngày này bận rộn không ngơi nghỉ cho công cuộc chống dịch Covid-19. Là một tỷ phú giàu có, ông vốn có thể “tháo chạy” khỏi Vũ Hán khi thành phố này chưa bi phong tỏa, nhưng ông đã chọn ở lại. Tổng cộng, đến ngày 11/2, ông đã chi 8,5 triệu USD, điều 11 chuyến bay bao gồm 5 chuyến chuyên cơ chở vật tư y tế, xây 7 bệnh viện cabin dã chiến điều trị được cho hơn 2.000 bệnh nhân giữa tâm dịch Covid-19.

Theo China Business Times, ngay từ những ngày đầu khi Vũ Hán bị phong tỏa, tức từ 30 Tết Nguyên đán, ông cùng tập đoàn của mình đã xông pha ở “tiền tuyến” chống dịch, Vũ Hán bị đóng cửa bao nhiêu ngày là từng đó ngày ông và các nhân viên cố gắng chống dịch không ngừng nghỉ.

Ngày 23/1, ngày đầu tiên Vũ Hán bị đóng cửa, Quỹ Công ích Zall tuyên bố tặng Trung tâm Phòng dịch tuyến đầu của Vũ Hán 10 triệu Nhân dân tệ (1,4 triệu USD) để mua sắm các vật tư phòng hộ chống dịch. Nhưng ngay sau đó, Diêm Chí nhận ra tình hình khẩn cấp của Vũ Hán và những gì thành phố này cần không phải là tiền mà là trang thiết bị bảo hộ cho các y bác sĩ, bệnh nhân và người dân. Ngay lập tức ông dốc hết sức để mua sắm các thiết bị y tế này.

Ngày 24/1, tức 30 Tết, Diêm Chí triệu tập cuộc họp khẩn cấp qua điện thoại với các thành viên công ty con của tập đoàn. 20 phút cuộc họp, ông Diêm chỉ nhấn mạnh một nội dung duy nhất: “Tình hình Vũ Hán nguy cấp, tình hình Hồ Bắc nguy cấp. Zall huy động toàn bộ mạng lưới cung cấp toàn cầu, mua sắm thiết bị y tế phòng hộ trên phạm vi toàn thế giới”.

“Khẩu trang, quần áo và các vật tư bảo hộ khác, bất kể giá cả, bất kể số lượng, có bao nhiêu mua bấy nhiêu, nhanh chóng vận chuyển về Vũ Hán”, ông Diêm yêu cầu các nhân viên của công ty. Ngay sau cuộc họp, chủ tịch HĐQT Diêm Chí cùng 18 quản lý cấp cao của tập đoàn trực tiếp cuộc săn lùng thiết bị y tế trên phạm vi toàn cầu.

Trên thực tế, sau khi tình hình bệnh dịch tại Trung Quốc trở nên phức tạp, tình hình vật tư thiết bị y tế trên toàn cầu cũng nhanh chóng đi vào khan hàng. Qua liên lạc với nhiều bên, tin tức tốt lành được chuyển tới điện thoại của chủ tịch Diêm rằng các nhân viên của ông đã mua được một lượng trang thiết bị lớn từ Indonesia, tuy nhiên khó khăn trong việc vận chuyển hàng về nước. Ông lập tức ra lệnh: Thuê chuyên cơ chở về, bất kể giá cả, vận chuyển về Vũ Hán nhanh nhất có thể.

Tỷ phú Vũ Hán bao 5 chuyên cơ vật tư y tế, xây 7 bệnh viện điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân giữa tâm dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Chuyến chuyên cơ chở theo vật tư y tế mua từ Indonesia hạ cánh xuống sân bay Thiên Hà, Vũ Hán, tối 26/1. Ảnh: Finance.sina.com.cn

Trưa 26/1, chuyến bay đầu tiên của Air China đáp xuống sân bay Thiên Hà, thành phố Vũ Hán, chở theo lô trang thiết bị đầu tiên mua từ Indonesia, tối 26/1, chuyến bay thứ 2 cũng hạ cánh. Chỉ sau cuộc họp chỉ đạo chưa đầy 48 giờ, tập đoàn của ông Diêm đã mua được 3,2 triệu chiếc khẩu trang, 210.000 bộ quần áo bảo hộ, đóng góp cho tình hình thiếu hụt nghiêm trọng của các bệnh viện tuyến đầu.

Sau Indonesia, đợt hàng tiếp theo của đối tác Marubeni từ Nhật Bản tiếp tục cung ứng cho Zall các trang thiết bị, quần áo, mũ bảo hộ. Để có được số hàng này, ông Diêm Chí đích thân viết thư tay thỉnh cầu, scan rồi gửi email sang cho đối tác Nhật xin mua hàng và vận chuyển về sân bay Thiên Hà, Vũ Hán.

Nhận được thư thỉnh cầu của người lãnh đạo cao nhất của Zall, đối tác Marubeni cũng nỗ lực, tăng thêm lô hàng sản phẩm phòng hộ tiêu chuẩn cao nhất thế giới, vốn định giao cho một đối tác nước ngoài khác, để giao cho Zall. Ngày 30/1, chiếc chuyên cơ thứ 3 và ngày 2/1, chiếc thứ 4 chở 90.000 vật tư y tế các loại đến cung cấp cho Vũ Hán.

Vật tư đến Vũ Hán chưa phải là đã kết thúc, Zall tiếp tục đóng gói, vận chuyển, sắp xếp phân phát đến các địa phương khác trong tỉnh Hồ Bắc. Theo số liệu, đến thời điểm đó, giá trị các vật tư mà Zall quyên góp cho các bệnh viện tuyến đầu ở Hồ Bắc đã là 40 triệu Nhân dân tệ (5,7 triệu USD).

Đến cuộc “chạy đua với thời gian” xây bệnh viện không hạn chế số lượng

Tỷ lệ người thiệt mạng vì virus tại Hồ Bắc cao hơn hẳn các nơi khác không chỉ bởi thiếu thôn vật tư mà cả thiếu thốn bệnh viện và giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân. Ở ngay tại tâm dịch Vũ Hán, Diêm Chí hiểu được điều này và đã bỏ công, bỏ của để xây dựng các bệnh viện ứng phó khẩn cấp.

Ông phối hợp cùng các bệnh viện trong thành phố xây dựng bệnh viện để ứng phó khẩn cấp, đồng thời huy động Trung tâm Triển lãm Quốc tế và và nhà xưởng của tập đoàn làm bệnh viện cabin dã chiến, điều trị cho các bệnh nhân nhẹ hơn.

“Đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng! Vũ Hán sớm bình phục! Hồ Bắc sớm bình phục”, ông Diêm Chính nói.

“Vũ Hán ở tuyến đầu thì chúng tôi cũng ở tuyến đầu, nhất định phải tranh thủ từng phút từng giây. Chỉ cần thành phố có nhu cầu, chúng tôi chắc chắn không từ chối, tất cả chúng ta đều là đồng bào, là anh em, chúng tôi sẽ tận sức tận lòng”, nhà tỷ phú nói thêm.

Tỷ phú Vũ Hán bao 5 chuyên cơ vật tư y tế, xây 7 bệnh viện điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân giữa tâm dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bệnh viện cabin dã chiến Zall Giang Hán, một trong 7 bệnh viện dã chiến ứng phó khẩn cấp của Zall. Ảnh: Finance.sina.com.cn

Ngày 30/1, Quỹ công ích Zall và Bệnh viện số 8 Vũ Hán phối hợp thành lập bệnh viện khẩn cấp Trường Giang Zall, điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới với hơn 300 giường bệnh. Ngày 2/2, bệnh viện trở thành đơn vị thứ 4 trong thành phố tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng của virus corona chủng mới. Đây là bệnh viện từ thiện đầu tiên được thành lập khẩn cấp để chống dịch.

Từ ngày 30/1 đến nay, tập đoàn của ông đã xây dựng được 7 bệnh viện ứng phó khẩn cấp tại 17 thành phố và huyện trong tỉnh Hồ Bắc như Vũ Hán, Hoàng Cương, Tĩnh Châu, Tùy Châu…

Tính đến ngày 11/2, Quỹ Công ích Zall của ông Diêm Chính đã cung cấp đc hơn 8.000 giường bệnh, điều trị cho 2.528 bệnh nhân, trở thành “cảng an toàn” cho hơn hàng nghìn bệnh nhân trên toàn tỉnh Hồ Bắc.

Đồng hành cùng các “thiên thần áo trắng”

Trong bệnh viện, các y bác sĩ phụ trách công việc chuyên môn, phòng bệnh, Quỹ Công ích của Zall Holding trực tiếp cung cấp vật tư, thuốc men, tiền bạc phục vụ chữa bệnh.

Ông Diêm tiếp tục cung cấp máy scan hồng ngoại đo nhiệt độ, quần áo và kính bảo hộ, khẩu trang N95, thuốc men cho bệnh viện. Bệnh viện đã tạm giải quyết được tình hình khó khăn của khu vực miền núi và khu cũ, khu dân cư nghèo, nơi không có đủ vật tư và kinh phí để điều trị cho bệnh nhân.

Tạm hết thiếu hụt về vật tư và tài chính, tình hình nguy cấp nhất lúc này lại là thiếu hụt y bác sĩ. Một bệnh viện thông thường bất chợt thêm một bệnh nhân truyền nhiễm cực lớn, áp lực với các y bác sĩ tại địa phương là cực cao, gấp 10 lần ngày thường, cần phải huy động bác sĩ ở các tỉnh thành khác.

Được sự ủng hộ của các bệnh viện tại Tây An, bệnh viện khẩn cấp Zall ngày 3/2 đã đón được 212 chuyên gia và y bác sĩ, 212 “thiên sứ đi ngược chiều” vào tâm dịch Vũ Hán, hạ nhiệt được sự thiếu thốn nguồn lực về con người, nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân.

Tỷ phú Vũ Hán bao 5 chuyên cơ vật tư y tế, xây 7 bệnh viện điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân giữa tâm dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhân viên tập đoàn của tỷ phú Diêm Chính trao tặng trang thiết bị cho các bệnh viện phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Finance.sina.com.cn

Vốn chỉ lên kế hoạch mở 6 bệnh viện khẩn cấp, nhưng đến ngày 7/2, khi nhận thấy con số ca nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng, thị trưởng thành phố Tùy Châu thì cho biết vật tư y tế chỉ còn đủ dùng cho 3 ngày nữa, Diêm Chí lại quyết định sẽ xây tiếp các bệnh viện “không giới hạn số lượng”, “cố gắng hết sức của chúng ta”.

Ngày 8/2, bệnh viện khẩn cấp Zall Tùy Châu được thành lập. Đến 21h ngày 8/2, tập đoàn Zall lại vận chuyển hơn 1 triệu trang thiết bị vật tư, thuốc men đến Tùy Châu. Trong các ngày 10-11/2, tập đoàn đã cung cấp cho 7 bệnh viện Zall các trang thiết bị vật tư, thuốc men, máy thở… phục vụ điều trị lâm sàng khẩn cấp, trị giá 6 triệu Nhân dân tệ.

Tổng cộng, trong vòng hơn 10 ngày, với 11 chuyến bay trong đó có 5 chuyến chuyên cơ, tập đoàn Zall của Diêm Chính lần lượt cung cấp được 400.000 khẩu trang N95, 3 triệu chiếc khẩu trang y tế loại thường, 300.000 bộ quần áo bảo hộ, 40.000 kính bảo hộ và 200 máy thở đến Vũ Hán.

Trong cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch bệnh của tỉnh Hồ Bắc ngày 8/2, những việc làm của Zall và ông Diêm nhận được những đánh giá tích cực. Ngày 9/2, tập đoàn tiếp tục tục quyên góp hơn 8 triệu Nhân dân tệ. Tính đến ngày 12/2, Zall và ông Diêm Chí tổng cộng đã quyên góp cho cuộc phòng chống dịch Covid-19 số tiền lên đến 60 triệu Nhân dân tệ (8,5 triệu USD).

Ngày 25/1, tức mùng 2 Tết Canh Tý, ông Diêm Chí post lên trang cá nhân lời chúc phúc: “Mùa đông hàn lạnh đã qua, mùa xuân đã đến, hãy tin tưởng Vũ Hán, hãy tin tưởng Trung Quốc, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp lên!”.

“Đây không chỉ là lời chúc phúc mà còn như lời hứa của một doanh nhân có trách nhiệm với xã hội và cho đến thời điểm này, ông Diêm cùng Zall Holding đã dùng những hành động thực tế để thể hiện lời cam kết này”, Thời báo Hoa Hạ (China Times) viết về vị doanh nhân có tâm của Vũ Hán.

Được thành lập năm 1996, Zall Smart Commerce Group là công ty cổ phần đầu tư chủ yếu phát triển và vận hành các trung tâm thương mại, quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, vận tải tài chính và các dịch vụ bán sỉ khác. Năm 2019, Zall đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng 100 công ty hàng đầu trong ngành nghề chiến lược mới của Trung Quốc và xếp thứ 91 trong top 500 công ty hàng đầu của nước này. Không chỉ là một doanh nhân, ông Diêm Chí còn là nhà từ thiện lâu năm. Trong đợt dịch SARS bùng phát, động đất ở Tứ Xuyên, ông từng quyên góp hàng triệu Nhân dân tệ. Ông cũng quyên góp cho các học sinh nghèo ở vùng khó khăn và quyên góp xây dựng cho Đại học Vũ Hán để thu hút nhân tài. Năm 2018, Quỹ Công ích của tập đoàn Zall được thành lập để phục vụ các hoạt động từ thiện, tuy nhiên trước đó, báo chí từng tổng kết tổng số tiền làm từ thiện của Zall và ông Diêm đã vượt qua con số 2,5 tỷ Nhân dân tệ (357 triệu USD).

Tham khảo China Business Times, Chinatimes, Sina Finance

Vũ Hà

Theo Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/kinh-doanh/ty-phu-vu-han-bao-5-chuyen-co-vat-tu-y-te-xay-7-benh-vien-dieu-tri-cho-hon-2000-benh-nhan-giua-tam-dich-covid-19-4202019291151872.htm)

Có thể bạn quan tâm

30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa trong nửa đầu năm, chỉ còn chưa đầy 2% người Việt chịu bỏ hơn 100.000 đồng cho một ly cà phê

Theo báo cáo ngành F&B 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS, mức chi cho …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *