Theo iPrice Group, các công ty thương mại điện tử năm 2020 cần nâng hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời thay vì tăng trưởng ngắn hạn.
Chỉ hai tuần cuối 2019, lần lượt Adayroi và Lotte.vn khép lại cuộc chơi thương mại điện tử, dù đã từng có những mục tiêu rất tham vọng khi ra mắt. Trước đó, cũng trong năm ngoái, sàn Robins.vn và VuiVui dừng bước.
Lý do tuy khác nhau nhưng cả hai đều muốn tập trung vào những hoạt động kinh doanh chủ đạo, mang lại hiệu quả cao hơn. “Điều này phù hợp với một làn sóng thay đổi về tư duy đang xuất hiện trong giới đầu tư và startup công nghệ toàn cầu là phát triển bền vững, tập trung vào lợi nhuận và giảm lỗ”, nhóm chuyên gia của iPrice nhận định.
Adayroi sáp nhập vào VinID, Lotte.vn có thể nhập vào Speedl.vn còn VuiVui chuyển thành kênh bán online cho Bách Hóa Xanh. Ảnh: VT |
Làn sóng này bắt nguồn một phần từ vụ IPO thất bại của startup kỳ lân WeWork hồi giữa năm 2019. Xu hướng này cũng đã lan nhanh đến giới startup châu Á. Tại Ấn Độ, hai công ty trước đó đang tăng trưởng mạnh là Ola và OYO đồng loạt sa thải hàng nghìn nhân sự nhằm giảm lỗ. Tại Indonesia, “kỳ lân” Gojek cũng bị buộc phải cắt giảm hoạt động của một số mảng kinh doanh không hiệu quả từ tháng 12.
Tương tự, sàn thương mại điện tử Bukalapak (Indonesia) mới đây cũng đã cho thôi việc 250 nhân viên. Giải thích cho quyết định này, ông Teddy Oetomo, Giám đốc Chiến lược của công ty, cho biết rằng họ muốn nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững thay vì chỉ tăng trưởng ngắn hạn như trước.
Theo iPrice, ngành thương mại điện tử Việt Nam cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng và sự việc Adayroi, Lotte.vn hay Robins.vn chia tay chính là những chỉ báo đầu tiên.
Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice Group, Adayroi chưa bao giờ xuất hiện trong top 5 website thương mại điện tử tại Việt Nam xét theo lượng truy cập, kém khá xa so với các đối thủ chính là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo. Tương tự, Lotte.vn thậm chí chưa bao giờ có mặt trong top 10.
Với những kết quả đó, không khó để thấy tình hình hoạt động của cả hai sàn này đã không như mong đợi và do đó cũng dễ hiểu khi phải khép lại cuộc chơi.
Trong khi, top 4 sàn hàng đầu là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo, dù đều có sự tăng trưởng bền vững qua các năm về lượng người sử dụng, nhưng lợi nhuận thì lại đi theo chiều ngược lại. Theo báo cáo kinh doanh của bốn sàn này mà iPrice tổng hợp được, trong năm 2018, tổng mức lỗ của bốn sàn đã lên đến con số 5.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2017.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh cần ‘giáo dục’ người tiêu dùng về thương mại điện tử, đồng thời chạy đua tăng trưởng thì việc các sàn chịu lỗ nhiều năm cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, với tình hình chung hiện nay trên toàn cầu, các công ty này sẽ cần sớm có sự thay đổi.
Mới đây, chính Tiki cũng liên tiếng xác nhận cho thực tế đó. Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Tiki, nhận định, năm 2020 là sẽ một năm đầy thử thách với những công ty khởi nghiệp nói chung và các công ty trong lĩnh vực công nghệ nói riêng do lượng tiền đầu tư vào các mô hình khởi nghiệp công nghệ sẽ giảm đi đáng kể.
Cũng theo ông Khánh, những thử thách này chính là bàn đạp để các doanh nghiệp chứng minh năng lực. Doanh nghiệp nào mang lại nhiều giá trị thiết thực và lâu dài cho khách hàng, cũng như kiểm soát dòng tiền hiệu quả, sẽ trụ vững trên thị trường.
“Như vậy bước vào năm 2020, dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ chứng kiến một bước ngoặc quan trọng khi thị trường dần đề cao hơn hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời thay cho các chỉ số tăng trưởng ngắn hạn”, iPrice dự báo.
Trước sự ra đi của một số đơn vị thương mại điện tử trong năm qua, đồng thời từ quan sát trên thế giới, những lĩnh vực mới như thương mại điện tử lúc nào cũng sẽ rất sôi động ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó chỉ còn từ 2-3 tay chơi sẽ trụ lại và chiếm phần lớn thị phần. Câu hỏi đặt ra là liệu kịch bản này có lặp lại với thương mại điện tử ở Việt Nam?
“Nếu chỉ gói gọn trong thương mại điện tử thì kịch bản như thế có thể diễn ra. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn rộng hơn cho cả nền kinh tế số, và toàn ngành bán lẻ cả online lẫn offline, thì sẽ có nhiều người cùng chiến thắng. Và cuối cùng, thế giới online và offline sẽ cùng kết nối với nhau để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tiki, trả lời.
Nhìn chung, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho những công ty biết đổi mới và biết giữ chân khách hàng bằng chất lượng, theo iPrice. Với người trong ngành, dù khốc liệt nhưng không thể phủ nhận mức hấp dẫn, với quy mô từ 0,4 tỷ USD năm 2015 tăng lên 5 tỷ USD vào 2019 và kỳ vọng đạt 23 tỷ USD vào 2025, theo Google – Temasek.
“Việt Nam là một quốc gia rất có tiềm năng về thương mại điện tử. Chúng tôi đã ở đây và cam kết đầu tư lâu dài”, ông James Dong, CEO Lazada Việt Nam nói với báo giới hồi đầu năm.
Viễn Thông (https://vnexpress.net/kinh-doanh/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2020-se-ra-sao-4045309.html)