TPO – Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2020 ước đạt 3 tỷ USD, chỉ bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch corona, xuất khẩu nông sản trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2019; các sản phẩm chăn nuôi đạt 42 triệu USD, bằng 93,6%.
Một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoài là gạo đạt trên 200 triệu USD (tăng 5,4%), rau đạt 50 triệu USD (tăng trên 17%). Trong khi đó, do thời gian tháng 1 nằm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên xuất khẩu hai ngành hàng lớn là thủy sản và lâm sản đều có giá trị xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đầu năm 2020, ngành nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (nCoV) gây ra diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tình hình thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam với các nước, đặc biệt thị trường lớn nhất là Trung Quốc.
Đến nay, do tình trạng dịch bệnh, phía do Trung Quốc đã hạn chế giao dịch ở các cửa khẩu biên giới, dự kiến phải đến ngày 9/2 tới mới mở cửa trở lại.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, hiện mặt hàng trái cây, đặc biệt là thanh long, dưa hấu đang bị ảnh hưởng lớn nhất do dịch virus corona ở Trung Quốc. Đến nay, vẫn còn hàng trăm xe nông sản ở các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh chưa thông quan.
Trong khi đó, qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn.
Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn….Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, bệnh nCoV đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản.
Ông Khánh cho biết, hiện kim ngạch xuất nhập khẩu qua đường bộ, tạm gọi là thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc có giá trị 7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu qua đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, riêng xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị một số doanh nghiệp logistics hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới…
Thứ trưởng Khánh cho biết thêm, tới đây Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật cho các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang các thị trường mới.
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Bộ đang chủ động phối hợp với thương vụ của Việt Nam tại các nước để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, thị trường ngách, nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.
Dự kiến, trong tháng 2/2020, lãnh đạo Bộ sẽ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) để mở rộng thị trường Trung Đông, Mỹ; sang tháng 3/2020 sẽ xúc tiến tại Braxin, Nhật Bản. Tiếp đó Bộ sẽ xúc tiến thị trường, Úc, NewZealand, Hàn Quốc, EU và thị trường ASEAN…