Cái giá bán “trên trời” của chiếc khẩu trang mùa bệnh: Đừng làm giàu trên nỗi sợ của người khác

Cái giá bán "trên trời" của chiếc khẩu trang mùa bệnh: Đừng làm giàu trên nỗi sợ của người khác

Một chiếc khẩu trang tăng giá là một cái tát vào những kẻ cơ hội, đầu cơ trục lợi giữa ngày dịch bệnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên và duy nhất người ta thấy một câu chuyện như vậy.

Mở đầu cuốn sách “Phải trái đúng sai” nổi tiếng là câu chuyện về một cơn bão quét qua nước Mỹ vào năm 2004. Câu chuyện trên bắt đầu được nhiều người truyền nhau đọc giữa hai “cơn bão” khác: Cơn bão Corona và Cơn bão khẩu trang tăng giá càn quét qua mọi đất nước. Có điều gì liên quan ở đây?

“Mùa hè năm 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương. Cơn bão không chỉ làm 22 người chết và tổn thất 11 tỷ đô la mà còn gây ra một cuộc tranh luận về giá cắt cổ.

Những chiếc khẩu trang bị đội giá lên gấp nhiều lần so với ngày thường

Một trạm xăng ở Orlando bán túi nước đá 2 đô la với giá 10 đô la. Do thiếu điện chạy tủ lạnh hay điều hòa vào giữa tháng tám, nhiều người chỉ còn cách móc hầu bao ra trả. Cây cối bị bão giật đổ dẫn đến nhu cầu cưa cây và sửa mái nhà tăng cao. Nhà thầu ra giá 23.000 đô la để dọn hai cây đổ ra khỏi mái nhà. Các cửa hàng bình thường bán máy phát điện nhỏ giá 250 đô la bây giờ hét giá 2.000 đô la. Một cụ bà bảy mươi bảy tuổi chạy bão với người chồng cao tuổi cùng cô con gái khuyết tật phải trả 160 đô la một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 đô la.

Nhiều người dân Florida đã tức giận vì giá tăng vọt. Tờ USA Today chạy tít “Kền kền sau bão”. Một cư dân, khi được báo giá 10.500 đô la để dọn một cây sập xuống mái nhà của mình, đã cho rằng thật là sai trái khi ai đó “cố trục lợi trên khó khăn và đau khổ của người khác”.

“8 giờ sáng mùng 7 Tết, các cửa hàng thuốc quanh Hapulico đều trong tình trạng khan hàng. 100 nghìn 1 hộp 20 chiếc, 250 nghìn 1 hộp 50 chiếc là giá chung, mà khách còn phải năn nỉ, xếp hàng, canh giờ để mua, chứ người bán không nhận giữ hàng.” một bài báo miêu tả cảnh mua khẩu trang ở Hà Nội, đọc thôi cũng đủ thấy sự hoảng loạn đang len lỏi vào cuộc sống của người dân như thế nào. Ngoài cửa hàng còn như vậy, trên các chợ online còn nhộn nhạo và tấp nập đến nhường nào.

Bạn tôi cười buồn khi nhìn thấy những người bán hàng online hét giá khẩu trang gấp 3 lần, 4 lần ngày thường: “Virus Corona mà biết giá những chiếc khẩu trang đắt như vậy, chắc cũng xấu hổ mà tự bật ra khỏi người bệnh”. Nghe hài hước nhưng cũng đúng thực cảnh của việc buôn bán khẩu trang hiện tại. Cảnh tượng người dân chen chúc trong hiệu thuốc vì chiếc khẩu trang cũng không kém gì câu chuyện ở trên khi người dân Mỹ phải mua nước đá với giá gấp 4 lần, trả giá tiền phòng gấp 4 lần so với thực tế và gấp 8 lần cho chiếc máy phát điện nhỏ.

Ảnh minh họa

Virus Corona ảnh hưởng tới thị trường nông sản khi nhiều hoa quả bị ùn ứ ở cửa khẩu không xuất nhập được, virus Corona ảnh hưởng tới du lịch khi khách Trung Quốc không sang Việt Nam và người Việt Nam cũng không đi ra nước ngoài vì nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, tôi chưa thấy báo cáo nào về việc virus Corona ảnh hưởng tới nguyên liệu sản xuất khẩu trang? Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất chưa chắc đã tăng lên cao để giá phải tăng lên gấp 4 lần. Mức giá tăng cao sống sượng, kệch cỡm chỉ là biểu hiện của sự trục lợi vì khan hiếm hàng, làm giá từ nỗi sợ của người dân, như một vài chị bán hàng online rủ rỉ khách hàng chê đắt: “Không mua hôm nay mai còn không có cái gì mà mua đâu”.

Ở nhiều cửa hàng, nhân viên các ban ngành kiểm soát giá thị trường vừa đi thì giá lại tăng cao vọt. Chiếc khẩu trang của 1 phút trước đó, liệu có phải được sản xuất với loại sợi vải, giấy hay chất liệu tối tân nào khác? Hay chỉ có đầu óc kinh doanh nhảy nhanh hơn máy giữa mùa dịch bệnh lây lan này?

Làm giàu trên nỗi sợ của người khác: Người bán hàng nói gì?

Quay về câu chuyện tăng giá cắt cổ ở Mỹ, một số nhà kinh tế và những người buôn bán đã có luận điệu như thế này. “Không phải giá cắt cổ là mức giá thị trường phải gánh chịu. Chẳng có sự tham lam hay trắng trợn gì cả. Đó là cách phân bố hàng hóa và dịch vụ trong xã hội tự do”. Họ cho rằng, không có cái gì gọi là giá chính đáng trong thời buổi cơ chế thị trường, giá cả ngoài được định giá bằng giá trị nội tại của đồ vật thì còn được xác định bằng cung – cầu. Với câu chuyện khẩu trang, ai cũng thừa hiểu sản xuất một chiếc khẩu trang có mức giá quá rẻ khi đó là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, có những loại dùng một lần. Tất cả chỉ nằm ở mức giá cung – cầu.

Nhiều điểm phát khẩu trang miễn phí cho người dân

Thị trường, kinh tế, tự do cá nhân; sẽ còn rất nhiều thứ để tranh luận trong câu chuyện tưởng chừng như đơn giản này. Nhìn về câu chuyện những chiếc khẩu trang ở Việt Nam ngày hôm nay, khoan bàn tới tin tức về việc có dấu hiệu tội phạm ở đây, thị trường khẩu trang hiện tại cũng không phải “thị trường tự do” bình thường nơi người mua tự do lựa chọn tham gia thị trường và gặp gỡ người bán, khi giá cả được thỏa thuận dựa trên quan hệ cung cầu. Họ không có lựa chọn nào khác khi tin tức về Corona cứ dồn dập, mỗi ngày lại gần tới nơi họ sống hơn. Họ không có tự do, nếu những người bán hàng coi tự do của họ là sự lựa chọn giữa việc: Mua khẩu trang cắt cổ hay chịu dính bệnh dịch đang chưa có thuốc điều trị dứt điểm?

Rõ ràng, người mua khẩu trang không có tự do mà bị cưỡng ép. “Nếu bạn cùng gia đình đang chạy bão, việc trả giá “cắt cổ” cho nhiên liệu hoặc nơi trú ẩn không thực sự là trao đổi tự nguyện. Điều này hơi giống tống tiền”. Điều trên cũng tương tự, khi bạn và gia đình đang gồng mình chống chọi với cơn bão viêm phổi cấp đe dọa tới tính mạng, bạn không có lựa chọn nào khả dĩ hơn ngoài việc phải mua khẩu trang, thuốc sát trùng hay các vật dụng y tế khác.

Các loại khẩu trang y tế người dân đang phải mua với giá “cắt cổ”- Ảnh Yến Anh

Mua bán những chiếc khẩu trang không chỉ là câu chuyện của nền kinh tế hàng hóa trao đổi hay tự do cá nhân; đó là câu chuyện thuộc về đạo đức, về lòng tham của những con người khi đứng trước cơ hội trục lợi. Một độc giả trên mạng đã bình luận về câu chuyện này như sau: “Nếu bạn có trong tay một lượng khẩu trang lớn như vậy và nhu cầu trong xã hội sẵn sàng trả gấp nhiều lần cho sản phẩm đó, liệu bạn có bán với giá cao hơn không? Bạn sẽ bán cao hơn gấp đôi, gấp ba rồi có thể gấp bốn vào lúc nào đó không chừng”. Tôi và nhiều người thì tin rằng, sân chơi của kinh tế thị trường tự do có chỗ cho những điều như vậy nhưng sẽ luôn cần chừa lại một khoảng cho đạo đức buôn bán, đặc biệt là trong những tình huống cần nhiều lòng trắc ẩn và sự chung tay của cả cộng đồng như một dịch cúm.

Dịch bệnh mang tính thời điểm, nhưng lòng tham của nhiều người là điều cố hữu.

Đối với người giàu, trả nhiều tiền cho khẩu trang, thuốc sát trùng có thể gây ra một ít phiền toái; nhưng đối với những người không giàu, giá cao như thế có thể gây ra nỗi khổ thực sự, có thể khiến họ chết chìm trong bệnh dịch. Việc một nhóm người mưu cầu lợi ích cá nhân có thể gián tiếp gây lây lan dịch bệnh khi nhiều người không có điều kiện tiếp xúc với các trang thiết bị y tế cơ bản (khẩu trang, thuốc sát trùng…). Chúng ta sống trong một thế giới phẳng và bạn không thể nói mình có thể sống tách biệt hoàn toàn với tầng lớp người nghèo không có đủ tiền trang trải cho chi phí phòng bệnh. Tất cả đều ở trên một con thuyền mà sự tham lam của số ít có thể khiến cả con chìm. Một lần tăng giá cắt cổ, người ta thấy nhiều điều trong xã hội được phơi bày.

Bạn không thể ép người ta giảm giá khẩu trang nhưng có thể chọn sống tử tế

Nếu không có dấu hiệu cấu thành tội phạm (Tội đầu cơ theo điều 196 “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính”), chúng ta không thể bắt các chủ hàng giảm giá. Và có lẽ, trong trường hợp bệnh dịch ngàn cân treo sợi tóc, họ cắn răng cam chịu mức giá đó còn hơn là đôi co vì bây giờ, thở hay ra chỗ đông người thôi cũng nguy hiểm.

Nhưng, mỗi người có thể chọn cách sống tử tế và trách nhiệm hơn trong thời buổi dịch bệnh như vậy.

Hàng nghìn người chen nhau mua khẩu trang và nước sát khuẩn, nước rửa tay tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc.

Chúng ta có thể tìm đến những điểm bán hàng bình ổn giá, những cơ sở được nhà nước và các ban ngành y tế chỉ đạo để bán đúng giá cho người dân. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố nói Hà Nội cần chuẩn bị từ 15 đến 20 triệu khẩu trang để đủ cung cấp cho người dân phòng dịch viêm phổi. Trong trường hợp phát hiện có ổ dịch sẽ phát miễn phí khẩu trang cho người dân.

Chúng ta có thể chia sẻ như nhiều người đã đăng tin phát khẩu trang miễn phí trên mạng xã hội. Nếu bạn là người đã mua nhiều khẩu trang từ trước, hãy chia sẻ cho mọi người nếu họ cần, hoặc chí ít bán đúng giá. Cứ mỗi lần nghĩ tới cảnh tượng chen chúc nhau vì một món hàng, tôi lại nhớ tới câu chuyện Nhật Bản trong thảm họa động đất sóng thần kép khi người dân xếp hàng chờ được phát đồ cứu trợ, không xô đẩy, không gào thét. Đừng quy chụp những người bán hàng, đổ lỗi cho các cơ quan chức khi từng cá nhân chưa biết cách hành xử hợp lý trong tình cảnh khủng hoảng. Ắt hẳn, điều đó phải từ cả hai phía.

Nếu có nơi bán phá giá khẩu trang, hãy thông báo ngay cho cơ quan chính quyền, tổng cục quản lý thị trường. Đây có lẽ là một tin vui với nhiều người trước câu chuyện khan hiếm khẩu trang những ngày qua. Mỗi người cũng nên mua số lượng đủ dùng cho bản thân và gia đình, tuân thủ theo những khuyến cáo về cách sử dụng từ cơ quan Y tế có thẩm quyền với nguồn tin đáng tin cậy. Không phải cứ đeo nhiều khẩu trang và lúc nào cũng đeo là sẽ tốt hơn, phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Cơn bão nào rồi cũng sẽ đi qua, siêu bão Charley quét qua nước Mỹ để lại nhiều bài học đáng suy ngẫm không chỉ về thiên tai, rủi ro mà cả những bài học cuộc sống, cách đối nhân xử thế. Dịch bệnh viêm phổi cấp cũng vậy. Chúng ta học được cách luôn lường trước những sự việc sẽ xảy ra. Với vấn đề ô nhiễm không khí kéo dài từ vài tháng trở lại đây, việc mua khẩu trang dự phòng là điều nên làm chứ không chỉ tới dịch bệnh viêm phổi cấp.

Chúng ta học được cách chia sẻ, học cách tự bảo vệ chính mình và quan tâm tới cộng đồng xung quanh. Bạn không thể giàu lên hay trở thành tỷ phú nếu bán ra được vài trăm hộp khẩu trang cắt cổ, nhưng bạn vẫn có thể nhiễm bệnh khi xung quanh tràn ngập những người mắc bệnh do không mua được khẩu trang, vì bạn.

Theo SKYPE

Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/gioi-tre/cai-gia-ban-tren-troi-cua-chiec-khau-trang-mua-benh-dung-lam-giau-tren-noi-so-cua-nguoi-khac-220201264035422.htm)

 

Có thể bạn quan tâm

30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa trong nửa đầu năm, chỉ còn chưa đầy 2% người Việt chịu bỏ hơn 100.000 đồng cho một ly cà phê

Theo báo cáo ngành F&B 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS, mức chi cho …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *