Vừa qua, biến động của giá thịt lợn theo chiều hướng tăng mạnh, đã khiến các gia đình tại đây phải đau đầu với bài toán cân đối nguyên liệu, giá thành sao cho hợp lý.
Giai đoạn từ rằm tháng Chạp đến tháng Giêng Âm Lịch, người làng Tranh Khúc bảo nhau đó là thời điểm “làm không hết việc”. Ai cũng đều hối hả gói bánh để phục vụ nhu cầu của khác hàng khắp cả nước.
Vừa qua, biến động của giá thịt lợn theo chiều hướng tăng mạnh, đã khiến các gia đình tại đây phải đau đầu với bài toán cân đối nguyên liệu, giá thành sao cho hợp lý.
Ông Nguyễn Duy Thắng, chủ cơ sở bánh chưng Thắng Trang cho biết, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu mua bánh của người dân. Theo ông, lượng đơn đặt bánh trước Tết đã giảm đi nhiều so với mọi năm. Trong khi, cao điểm trong dịp này, gia đình ông có thể gói từ 500-1000 chiếc bánh/ngày.
“Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá thịt lợn ba chỉ ngon là 70 nghìn đồng/kg thì năm nay đã lên tới 140 nghìn đồng/kg. Giá thịt tăng dẫn đến giá bánh chưng cũng tăng theo nhưng nếu bán đắt thì ít khách mua mà bán rẻ lại không có lãi”, ông Thắng chia sẻ.
Để làm nên một chiếc bánh chưng, không thể thiếu nguyên liệu bao gồm thịt ba chỉ, thịt vai tươi ngon, gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh và lá dong.
Trong đó, đỗ xanh tách vỏ sau khi ngâm sẽ được đồ với chút muối và xay nhuyễn để tạo độ kết dính, thơm ngậy.
Thịt sau khi rửa sạch sẽ ướp với muối, tiêu, bột ngọt… để khoảng hai giờ và được bao một lớp đỗ xung quanh. Hỗn hợp nhân này sẽ được cân đo để phù hợp với kích cỡ và giá thành của chiếc bánh.
Các cơ sở gói bánh phải đảm bảo đủ số lượng lớn lá dong mỗi mùa Tết đến.
Lá dong dùng để gói bánh phải là loại lá bánh tẻ đặt mua ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An… sau đó được rửa sạch và lau khô.
Nghề gói bánh chưng cha truyền con nối, vì vậy người dân ở đây ai cũng đạt đến kỹ thuật gói “thượng đẳng”, có thể cho ra đời thành phẩm vuông thành sắc cạnh mà không cần dùng khuôn.
Để gói xong một chiếc bánh chưng chỉ mất chưa đầy một phút, không tính công gấp lá làm nhân trước đó.
Cuộc sống hiện đại cũng làm thay đổi cách thức gói bánh truyền thống. Hiện nay, người dân làng Tranh Khúc đã áp dụng phương pháp luộc bánh chưng mới bằng nồi hơi siêu nhanh, giúp giảm thời gian luộc mà vẫn đảm bảo bánh chín dền, ngon. Phương pháp này còn có ưu điểm là làm nước sôi đều tới cả đáy nồi giúp bánh không bị cháy, khê.
Cứ thế, bánh chưng làng Tranh Khúc đi khắp muôn nơi, là biểu tượng cho môt cái Tết đủ đầy, no ấm cho mọi nhà!
Trí Thức Trẻ (http://ttvn.vn/gioi-tre/anh-ve-lang-banh-chung-tru-danh-tranh-khuc-giua-thoi-diem-gia-thit-lon-tang-phi-ma-220202017326807.htm)