Những thương hiệu hàng đầu ở Việt Nam làm ăn ra sao?

Trong khi Vinamilk, Vingroup, Sabeco… đề báo thu về lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng thì ở chiều ngược lại, công ty của nhiều đại gia khác làm ăn thua lỗ, thất thu hàng trăm tỉ đồng.

2cd8c_screen_shot_2019_08_01_at_1.34.43_pm_600

Vinamilk

Năm 2019, trong Vinamilk đứng đầu danh sách top 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn. Giá trị thương hiệu của Vinamilk hơn 2,2 tỉ đô la.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quí 2, doanh thu của công ty này đạt mốc cao nhất trong lịch sử với gần 14.600 tỉ đồng, tăng 6,55% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinamilk đạt doanh thu 27.788 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái tương ứng mức tăng 7,61%.

Lợi nhuận trước thuế của công ty sữa hàng đầu này trong quí 2 đạt 3.549 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 2.900 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ nâng lũy kế 6 tháng lên 5.701 tỉ đồng.

Với kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, Vinamilk đã hoàn thành gần 50% kế hoạch doanh thu và 54,4% kế hoạch lợi nhuận đã được đại hội cổ đông giao phó.

Tổng tài sản của Vinamilk hiện đạt hơn 40.186 tỉ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm hơn 13.000 tỉ đồng, tài sản dài hạn hơn 18.000 tỉ đồng…

Vingroup

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC)Doanh thu trong nửa đầu năm nay của tập đoàn đạt hơn 61.500 tỉ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hơn 3.300 tỉ đồng, tăng 89,5%.

Trong quí 2, Vingroup đạt doanh thu gần 39.601 tỉ đồng, tăng 23,2%. Lợi nhuận trước thuế của Vingroup đạt 4.893 tỉ đồng, tăng 38%. Còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.343 tỉ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái – tương đương tăng 218%.

Là công ty con của Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) cùng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng chóng mặt. Doanh thu trong 3 tháng trong quí 2 của Vinhomes đạt hơn 20.900 tỉ đồng – gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 8.456 tỉ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinhomes đạt xấp xỉ 26.800 tỉ đồng doanh thu, tăng hơn 70%. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2019 đạt hơn 13.400 tỉ đồng, tăng 34%. Lãi sau thuế hơn 11.140 tỉ đồng, tăng gần 37%.

Tính đến cuối quí 2, tổng tài sản của Vinhomes là 138.700 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 58.900 tỉ đồng.

Vinhomes đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.

Sabeco

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) doanh thu thuần quí 2 của công ty này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do sản lượng tiêu thụ đi xuống, chỉ xấp xỉ 9.090 tỉ đồng. Nhưng lợi nhuận gộp đạt hơn 2.410 tỉ đồng, tăng vọt 15% so với cùng kỳ năm trước do chi phí sản xuất thấp và giá vốn bán hàng giảm đến 6%.

Đặc biệt, đợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 1.530 tỉ đồng do lợi nhuận gộp tăng cũng như lợi nhuận từ hoạt động tài chính và phần lãi trong liên doanh, liên kết tăng.

Luỹ kế nửa đầu năm, Sabeco ghi nhận 18.420 tỉ đồng doanh thu thuần và 2.658 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng hoàn thành 47% và 56% kế hoạch cả năm. Cơ cấu doanh thu biến động nhẹ khi mảng bia tăng tỷ trọng đóng góp 86,6%, trong khi tỷ trọng nước giải khát và cồn rượu đều giảm.

Tương tự, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2019 của Sabeco cũng tăng 9% với 18.517 tỉ đồng do tăng sản lượng tiêu thụ và giá bán. Tổng lợi nhuận đạt 3.455 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế là 2.819 tỉ đồng, tăng 15%.

Sabeco đứng vị trí thứ 3 trong top 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam.

Lợi nhuận của Tập đoàn Masan giảm mạnh

So với các ông lớn khác, doanh thu và lợi nhuận Tập đoàn Masan (Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan và các công ty con) của đại gia Nguyễn Đăng Quang sụt giảm mạnh so với năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, Masan đạt doanh thu thuần 17.411 tỉ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của Masan theo đó cũng giảm 36% từ 3.418 tỉ đồng nửa đầu 2018 xuống còn 2.192 tỉ đồng.

Riêng trong quí 2, Masan đạt doanh thu thuần 9.250 tỉ đồng, tăng chưa đến 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm một nửa từ 2.396 tỉ của năm trước xuống còn 1.192 tỉ đồng trong năm nay.

Trong thông cáo báo chí phát đi, Masan giải thích nguyên nhân khiến lợi nhuận thuần trong quý vừa qua giảm hơn một nửa là do quí 2 năm trước, doanh nghiệp này có khoản thu nhập tài chính 1.472 tỉ từ giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu tại Techcombank khi ngân hàng này phát hành cổ phiếu quỹ với giá cao hơn giá trị sổ sách Masan sở hữu.

Trong cơ cấu doanh thu thuần nửa đầu 2019 của toàn tập đoàn, Masan Consumer Holdings với các ngành hàng tiêu dùng nhanh đóng góp tỷ trọng lớn nhất 46% (7.979 tỉ đồng), tăng trưởng 6% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tiêu dùng nhanh đạt kết quả kinh doanh tốt của Masan sau 6 tháng là thực phẩm tiện lợi cao cấp với mức tăng trưởng 27%; nước tăng lực tăng 28,4%; thịt chế biến tăng 68%…

Masan đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam.

Công ty của “bầu” Đức lỗ nặng

Báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, trong quí 2, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) lỗ 687 tỉ đồng. Trong đó lỗ từ hoạt động kinh doanh là 329 tỉ đồng, và lỗ từ các hoạt động khác là 358 tỉ đồng.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho thấy, trong quí 2, HAGL ghi nhận doanh thu 513 tỉ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mảng kinh doanh chính đều sụt giảm mạnh.

Lợi nhuận gộp, vì thế, cũng chỉ đạt 155 tỉ đồng, so với mức 949 tỉ đồng của quí 2-2018. Các khoản chi phí vẫn duy trì ở mức cao, lỗ khác tăng đột biến trong khi hoạt động kinh doanh chính sụt giảm khiến HAGL báo lỗ trước thuế gần 700 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu HAGL chỉ đạt 923 tỉ đồng, giảm hơn 68%. Các mảng hoạt động chính như trái cây, ớt đều giảm mạnh, trong khi công ty cũng rút hoàn toàn khỏi bất động sản và nuôi bò. Mủ cao su là mảng kinh doanh duy nhất có sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng hoạt động dưới giá vốn.

(Theo Kinh Tế Sài Gòn)

Có thể bạn quan tâm

Danh sách tài sản bị kê biên hé lộ thêm loạt BĐS đình đám liên quan bà Trương Mỹ Lan: Từ khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội đến Vietcombank Tower Saigon, Daewoo Hanoi…

Cơ quan điều tra cũng quyết định tiếp tục kê biên 16 quyền sử dụng …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *