Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, trả lời kiến nghị cử tri đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm đối với các dự án kéo dài thời gian, đội vốn như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo Bộ GTVT, trách nhiệm chính khi dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư thuộc về phía tổng thầu EPC Trung Quốc là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Theo cơ quan này, dù các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài, do một số nội dung tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Từ một dự án được kỳ vọng thay đổi bộ mặt Thủ đô, đến nay sau sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã trở thành một nỗi nhức nhối về đầu tư công. Mười lần lùi tiến độ, đội vốn tới 40%. Từ tổng mức ban đầu được phê duyệt năm 2008 hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD), đến nay, tổng mức đầu tư đã vọt lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD.
Với số lượng vay phát sinh như trên, dự án đang phải trả lãi, gốc phát sinh cho China EximBank là 14,4 triệu USD/năm, trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay. Nếu cộng cả 2 khoản vay, mỗi ngày, phía Việt Nam đang phải trả cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng. Như vậy, nếu chậm 1 năm chúng ta phải trả tới 876 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là kỷ cương phép nước ở đâu, tại sao các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam lại bất lực trước sự chầy bửa này của nhà thầu Trung Quốc?
Tại sao không khởi kiện nhà thầu Trung Quốc?
Rõ ràng, hợp đồng tổng thầu EPC giữa Bộ Giao thông, đại diện là Ban quản lý dự án đường sắt với nhà thầu Trung Quốc bản chất là một hợp đồng thương mại. Trong các hợp đồng thương mại đều có điều khoản về áp dụng pháp luật và giải quyết tranh chấp. Pháp luật hiện hành quy định 2 hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại nếu hoà giải và thương lượng không thành công, bao gồm tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài.
Nếu Bộ giao thông đã tự tin trả lời cử tri trách nhiệm chính cho “vấn đề” Cát Linh – Hà Đông thuộc về nhà thầu Trung Quốc, vậy tại sao cơ quan này không sử dụng quyền – đã – được – luật định để bảo về các lợi ích chính đáng cho mình với tư cách một bên trong hợp đồng, và qua đó là bảo vệ quyền lợi quốc gia?
Trong không gian hội nhập toàn cầu, chủ quyền kinh tế quốc gia thể hiện chính qua hệ thống quy định pháp luật của mỗi nước. Luật đã có mà áp dụng không nghiêm với các thương nhân nước ngoài phải chăng chính là đang làm tổn hại chủ quyền quốc gia?
Điều 317. Hình thức giải quyết tranh chấp
1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.
Tùng Sơn (Nhadautu.vn)
(Luật Thương mại 2005)