Thành lập năm 2009 đến nay, Rent the Runaway đã có hơn 5 triệu thành viên đăng ký trên toàn nước Mỹ, giá trị công ty đạt 1 tỷ USD.
Chuyện không của riêng ai!
Năm 2008, vào dịp Lễ tạ ơn, cô sinh viên năm thứ hai của trường Trường Kinh doanh Harvard – Jennifer Hyman đang sống ở thành phố New York thẫn thờ khi em gái Becky khoe chiếc váy mới mua với giá 1.600 USD để đi dự đám cưới sắp tới.
Chiếc váy quá đắt đỏ so với túi tiền của cả hai, cô chị liền hỏi em gái tại sao không thể chọn mặc một chiếc nào đó ngay trong tủ đồ vẫn chật kín kia. Becky đưa ra lý do rằng cô đã không còn thích bất kỳ món đồ nào trong tủ nữa. Hơn hết, những chiếc váy đều đã được chụp ảnh và đăng lên facebook nên không thể mặc trùng lại lần nữa.
Đó hẳn là câu chuyện không chỉ của riêng Becky mà đã xảy ra với hàng triệu cô gái khác khi chiếc áo mới mua nhưng sau khi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội thì coi như trở thành đồ cũ hay váy mặc đi đám cưới A thì không thể mặc đến đám cưới B,… Cứ thế, các cô gái luôn trong tình trạng: Không có gì để mặc hết! Nhưng đối với Hyman, đó là một cơ hội kinh doanh không thể bỏ qua.
Cô đem câu chuyện kể lại cho người bạn Jennifer Fleiss và đến năm 2009, hai người đã cùng sáng lập ra Rent the Runway, một trang web cho thuê trang phục dạ hội nữ.
Mô hình hoạt động
Rent the Runaway (RTR) hoạt động dựa trên hai xu hướng, đó là nền kinh tế chia sẻ và tận dụng nhu cầu hàng xa xỉ của phụ nữ trẻ hiện nay.
Công ty mua những mẫu váy, quần áo, phụ kiện từ các thương hiệu thời trang và nhà thiết kế khác nhau để cho thuê lại. Rent the Runaway đã thu thập được hơn 250 thương hiệu, từ ít nổi đến các tên tuổi đình đám như Fila, túi xách Coach hay Calvin Klein. Mức phí cho thuê dao động trong khoảng 5 USD đến 475 USD. Thậm chí, khách hàng có thể diện chiếc váy 3000 USD của Calvin Klein mà chỉ cần trả phí thuê là 170 USD (rẻ gấp 17 lần) hay chiếc vòng cổ Oscar De La Renta 1000 USD chỉ với 150 USD. Nhờ đó, các cô nàng vẫn có thể mặc đẹp, không đụng hàng mà lại tiết kiệm khoản tiền lớn, tránh lãng phí những món đồ, bộ váy bị “vứt xó” chỉ sau một lần mặc.
Người phụ nữ này chỉ mất 159 USD là có thể diện 4 bộ trang phục có tổng giá trị 1.502 USD.
Khách hàng có thể được thử và thuê ngay tại cửa hàng hoặc lựa chọn qua website và sản phẩm sẽ được vận chuyển tận nơi. Thời gian cho thuê kéo dài 4 đến 8 ngày. RTR cung cấp cho khách hàng những gói thành viên để hưởng nhiều ưu đãi hơn, với mức phí từ 30 USD đến 160 USD. Trong đó, gói RTR Update (89 USD/tháng), cho phép khách hàng thuê tối đa 4 sản phẩm mỗi tháng và gói RTR Unlimited (159 USD/tháng), cho thuê tối đa 4 sản phẩm trong khoảng thời gian không giới hạn và nhiều quyền lợi khác.
Biết người biết ta
Một vấn đề khiến nhiều người lo ngại về mô hình hoạt động của Rent the Runaway đó là các thương hiệu, nhà thiết kế sẽ không ủng hộ và cung cấp trang phục cho công ty vì lo sợ bị cướp mất khách hàng, giảm doanh thu thậm chí là giảm giá trị thương hiệu. Nhưng hai nhà sáng lập đã tìm ra giải pháp, biến đối thủ cạnh tranh thành đối tác, đôi bên cùng có lợi.
Thay vì chỉ mua váy từ các nhà thiết kế, các cửa hàng bán lẻ hoặc trên eBay, Jennifer Fleiss và Jennifer Hyman quyết định rằng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển lâu dài cho công ty, họ sẽ hợp tác với các nhà thiết kế. Rent the Runaway mang lại cơ hội để các thương hiệu được giới thiệu, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn thông qua nền tảng website và trải nghiệm cho thuê quần áo của họ, đồng thời nhận lại dữ liệu về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải phổ biến nhất và quan trọng nhất là phản hồi của khách hàng. Đổi lại, công ty được mua hàng với mức giá bán buôn, giảm giá theo số lượng và bộ kích cỡ đầy đủ từ 0 đến 12, kể cả đó là những thiết kế mới nhất.
Công ty cũng sở hữu những nhà thiết kể trẻ, có tiềm năng nhưng chưa được biết đến để giới thiệu và cho thuê những bộ sưu tập độc quyền của mình.
Nhà kho là yếu tố sống còn
Bên cạnh việc thuyết phục các thương hiệu, vấn đề quay vòng, thu hồi và làm sạch sản phẩm cũng là vấn đề thách thức đối với mô hình của Rent the Runaway. Bởi nhu cầu thuê trang phục dạ hội, váy, phụ kiện chủ yếu tập trung vào thứ sáu và hai ngày cuối tuần, còn công ty phải thu hồi, giặt là sạch sẽ để đảm bảo lượng cung vào trước những ngày cuối tuần liền sau.
Đó là lý do các trang phục thường được cho thuê trong thời hạn từ 4 đến 8 ngày. Yếu tố quan trọng làm nên thành công của RTR là hệ thống xử lý, giặt là. Công ty đã xây dựng một nhà máy giặt là lớn nhất nước Mỹ, có diện tích gần 15.000 mét vuông. Hệ thống nhà kho cùng máy móc, công nghệ cùng hàng trăm công nhân tại đây được tổ chức để xử lý chất bẩn, giặt, là ủi hơn 90.000 trang phục, phụ kiện mỗi ngày. Họ thuê những công nhân lành nghề nhất để thực hiện công việc này bởi khoảng một nửa số váy khi trả lại đều dính những vết bẩn mà máy móc không thể làm sạch được, phải xử lý bằng tay.
Công ty chuẩn hóa quy trình làm sạch hầu hết các vết bẩn gồm 20 bước. Trong khi đó, những công nhân ở đây thường có thể xử lý khoảng 30 bộ trang phục mỗi giờ, một tốc độ vô cùng ấn tượng.
Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên công nghệ, Rent the Runaway cũng đầu tư vào phân tích số liệu thống kê, từ việc bao nhiêu chiếc váy dài, ngắn được thuê, màu nào được ưa chuộng, loại vải nào bền nhất đến xu hướng hot ở mùa trước, nhà thiết kế nào đang được yêu thích để từ đó mua hàng lưu kho phục vụ cho mùa mới.
Năm 2012, qua vòng tài trợ 24,4 triệu USD, công ty được định giá công ty ở mức 250 triệu USD. Thành lập từ con số không, chỉ sau năm năm, Rent the Runaway đã có hơn 5 triệu thành viên đăng ký trên toàn nước Mỹ. Doanh thu chạm mốc 100 triệu USD vào năm 2016.
Đầu năm 2019, khoản tài trợ 125 triệu USD đã giúp RTR trở thành kỳ lân, giá trị chạm mốc 1 tỷ USD. Đóng góp lớn nhất là nguồn thu từ gói đăng ký RTR Unlimited – chiếm hơn 50% (2018) và tăng trưởng 150% so với năm trước.
Hiện Rent the Runaway có các cửa hàng tại California, Illinois, NewYork và Washingtin DC và Santa Monica, được thiết kế rộng rãi, có địa điểm trang bị đến 20 phòng thử đồ để phục vụ nhu cầu lớn của khách hàng.
Trí Thức Trẻ/Tổng hợp