Giống như một lâu đài thời trung cổ, con hào được xây đắp nhằm bảo vệ những người bên trong pháo đài và sự giàu có của họ khỏi những kẻ bên ngoài.
Tìm hiểu một “con hào kinh tế”
Hãy nhớ rằng lợi thế cạnh tranh về cơ bản là bất kỳ yếu tố nào cho phép công ty cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự các đối thủ cạnh tranh, nhưng đồng thời vượt trội so với đối thủ về lợi nhuận thu về. Một ví dụ điển hình về lợi thế cạnh tranh là lợi thế chi phí thấp, chẳng hạn như việc thu mua nguyên liệu thô với giá rẻ. Các nhà đầu tư thành công như Buffett đã rất giỏi trong việc tìm kiếm các công ty có con hào kinh tế vững chắc nhưng giá cổ phiếu ở mức tương đối thấp.
Tuy nhiên, một trong những nguyên lý cơ bản của nền kinh tế học hiện đại đó là theo thời gian, sự cạnh tranh sẽ làm xói mòn bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào mà một công ty sở hữu. Hiệu ứng này xảy ra bởi vì một khi một công ty tạo ra lợi thế cạnh tranh, các hoạt động vượt trội của nó mang lại lợi nhuận vượt trội, do đó thúc đẩy mạnh mẽ các công ty đối thủ sao chép cách thức hoạt động của công ty hàng đầu hoặc tìm ra phương pháp tốt hơn.
Một minh chứng rõ ràng
Hãy trở lại ví dụ về lợi thế chi phí thấp. Giả sử bạn quyết định kiếm tiền bằng cách mở một quầy bán nước chanh. Bạn nhận ra rằng nếu bạn mua số lượng lớn chanh mỗi tuần một lần thay vì mỗi buổi sáng, bạn có thể giảm 30% chi phí và điều đó cho phép bạn hạ giá bán nước chanh so với các quầy hàng đối thủ. Mức giá thấp sẽ khiến lượng tiêu thụ nước chanh tại quầy hàng của bạn tăng lên (chứ không phải tại quầy của đối thủ cạnh tranh). Kết quả là, bạn thấy sự gia tăng về lợi nhuận. Tuy nhiên, có lẽ sẽ không mất nhiều thời gian để các đối thủ cạnh tranh chú ý đến phương pháp của bạn và sử dụng nó. Do đó, trong một khoảng thời gian ngắn, lợi nhuận lớn của bạn sẽ giảm dần và ngành công nghiệp nước chanh địa phương sẽ trở lại điều kiện bình thường.
Tuy nhiên, giả sử bạn phát triển và được cấp bằng sáng chế một công nghệ ép cho phép bạn lấy thêm 30% nước từ số lượng chanh trung bình. Điều này sẽ có tác dụng tương tự trong việc làm giảm chi phí trung bình của bạn cho mỗi ly nước chanh. Lần này, đối thủ sẽ không có cách nào để sao chép phương thức của bạn nữa vì lợi thế cạnh tranh của bạn đã được bảo vệ bởi bằng sáng chế. Trong ví dụ này, hào kinh tế của bạn chính là bằng sáng chế mà bạn nắm giữ trên công nghệ độc quyền của mình. Nếu công ty nước chanh của bạn là một công ty đại chúng, cổ phiếu của bạn có thể sẽ có ưu thế dài hạn hơn so với đối thủ.
Như bạn thấy, con hào kinh tế của một công ty đại diện cho một phép đo định tính về khả năng giữ khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh trong một thời gian dài. Điều này được chuyển hóa thành lợi nhuận kéo dài trong tương lai. Các con hào kinh tế rất khó thể hiện định lượng vì chúng không có giá trị tiền bạc rõ ràng, nhưng là một yếu tố tiên quyết trong việc quyết định sự thành công hay thất bại dài hạn của công ty và trong việc lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư.
Tạo dựng một “con hào kinh tế”
Một công ty có thể tạo dựng một “con hào kinh tế” cho phép nó có lợi thế đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số các phương pháp phổ biến nhất.
Lợi thế chi phí: Như đã thảo luận trong ví dụ về nước chanh, một lợi thế chi phí mà các đối thủ cạnh tranh không thể sao chép có thể là một con hào kinh tế rất hiệu quả. Các công ty có lợi thế chi phí đáng kể có thể hạ giá trị sản phẩm của bất kỳ công ty đối thủ nào cố gắng thâm nhập vào ngành, khiến họ buộc phải rời khỏi ngành hoặc ít nhất là cản trở sự tăng trưởng. Các công ty có lợi thế chi phí bền vững có thể duy trì thị phần rất lớn trong ngành bằng cách loại bỏ bất kỳ đối thủ cạnh tranh mới nào cố gắng tiến vào.
Lợi thế quy mô: Doanh nghiệp với quy mô lớn có thể coi là đang sở hữu một con hào kiên cố. Ở một kích thước nhất định, một công ty được công nhận là đạt được quy mô về kinh tế. Đó là khi nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ được sản xuất ở quy mô lớn hơn với chi phí đầu vào thấp hơn. Điều này giúp giảm chi phí đầu tư trong về tài chính, quảng cáo, sản xuất,… Các công ty lớn cạnh tranh trong một ngành thường có xu hướng chiếm lĩnh thị phần cốt lõi của ngành đó, trong khi những người chơi nhỏ hơn buộc phải rời khỏi ngành hoặc chiếm lĩnh tỉ trọng nhỏ.
Chi phí chuyển đổi cao
Là con cá lớn trong ao luôn có nhiều lợi thế khác. Khi một công ty có vị thế vững chắc trong ngành công nghiệp, các nhà cung cấp và khách hàng có thể phải chịu chi phí chuyển đổi cao nếu họ chọn hợp tác với một công ty mới trong ngành. Các đối thủ cạnh tranh có một thời gian rất khó khăn giành lấy thị phần ra khỏi những doanh nghiệp đầu ngành vì những chi phí chuyển đổi rườm rà.
Giá trị vô hình
Một kiểu “con hào kinh tế” khác có thể được hình thành thông qua tài sản vô hình của một công ty, bao gồm các vật phẩm như bằng sáng chế, nhận diện thương hiệu, giấy phép của chính phủ và các loại khác. Nhận diện thương hiệu mạnh cho phép sản phẩm của họ có ưu thế vượt trội so với hàng hóa của đối thủ cạnh tranh khác, từ đó giúp tăng lợi nhuận.
Yếu tố mềm
Một số lý do khiến một công ty có thể có một con hào kinh tế khó xác định hơn. Ví dụ, lợi thế mềm có thể được tạo ra bởi khả năng quản trị tuyệt vời hoặc văn hóa doanh nghiệp độc đáo. Mặc dù khó mô tả, một lãnh đạo và môi trường Doanh nghiệp tốt có thể đóng góp một phần vào thành công lâu dài của một tập đoàn.
Các con hào kinh tế nói chung rất khó xác định chính xác tại thời điểm chúng bắt đầu hình thành. Ảnh hưởng của chúng dễ dàng được quan sát hơn khi công ty đó đã vươn lên tầm cao mới. Từ quan điểm của một nhà đầu tư, thật lý tưởng để đầu tư vào các công ty đang phát triển ngay từ khi họ bắt đầu gặt hái hiệu quả từ một “con hào kinh tế” to lớn và bền vững. Trong trường hợp này, yếu tố quan trọng nhất là tuổi thọ của con hào. Một công ty có thể thu được lợi nhuận càng lâu thì lợi ích cho chính nó và cho các cổ đông của nó càng lớn.
(Theo Trí thức trẻ)