Trong các vụ án có thủ đoạn tương tự, những kẻ phạm tội đã đánh vào lòng tin, sự nhẹ dạ và lòng tham của người bị hại để thực hiện các cú lừa ngoạn mục, khiến các nạn nhân rơi vào cảnh dở khóc, dở cười.
Mất tiền tỷ vì ham lãi suất cao
Một ngày cuối năm 2017, ông Nguyễn Đức Thuận (trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) đang ở nhà thì Bùi Thị Kim Quí chủ động tìm đến. Ở khu vực này, tiếng tăm của vợ chồng Quí “nổi như cồn” khi có nhà lầu, xe hơi và một cửa hàng làm ăn khấm khá…
Tại buổi gặp gỡ Quí chủ động giới thiệu với ông Thuận rằng chị ta làm dịch vụ đáo nợ ngân hàng. Lúc đầu, ông Thuận chẳng biết dịch vụ đó là gì. Nhưng qua sự giải thích tỉ mỉ của Quí thì ông cũng phần nào nắm bắt được dẫu chưa đầy đủ.
Theo hiểu biết của mình, ông nghĩ rằng khoản vay nào cũng đến hạn phải trả. Trong trường hợp đến hạn, người vay chưa có tiền trả và không muốn bị liệt vào danh sách những “con nợ xấu”, họ phải vay tiền ở bên ngoài xã hội để trả cho các ngân hàng để tiếp tục vay các khoản khác khác nên phải sử dụng đến dịch vụ này. Vì thế, họ chấp nhận chi trả những khoản tiền “hoa hồng” với mức lãi suất rất cao…
Ông Thuận là người cẩn trọng nên hôm đó, ông chưa vội quyết định. Người đàn ông đã bước vào cái tuổi “tri thiên mệnh” ấy bí mật tìm hiểu thông tin và biết rằng trên địa bàn, có rất nhiều người đang cho vay tiền theo hình thức này và được trả gốc và lãi rất đầy đủ… Vì thế, sau một vài lần gặp, ông Thuận đã quyết định bỏ vốn vào mối làm ăn này.
Trước khoản tiền lãi bằng thu nhập của một người lao động cả tháng, ông Thuận đã “tặc lưỡi”. Gần Tết Nguyên đán năm 2018, Quí mang trả ông 400 triệu đồng, khoản vay còn lại hứa sẽ trả sau Tết nguyên đán, lý do đưa ra là người đáo nợ ngân hàng chưa có tiền để trả…
Và vẫn với lý do cũ, sau Tết Nguyên đán, đối tượng tìm đến gặp ông Thuận, đặt vấn đề vay 500 triệu đồng. Tin tưởng vào những lời Quí nói, ông Thuận đồng ý.
Khoảng tháng 3-2018, Quí trả toàn bộ số tiền 800 triệu đồng tiền gốc, đây là “đòn tâm lý” cực kỳ cao tay của Quí, khiến họ hoàn toàn tin tưởng vào thương vụ làm ăn của thị. Vì thế, vào khoảng tháng 5-2018, khi Quí hỏi vay thêm 200 triệu đồng, ông Thuận đã đồng ý ngay.
Lần này, Quí trao đổi với ông rằng sẽ trả lãi suất 2.000 đồng/ 1 triệu đồng/ 1 ngày. Qúi tự tính toán rồi đưa cho ông Thuận 14 triệu đồng tiền lãi của 20 ngày. Ngày 22-6-2018, Quí tiếp tục hỏi vay 290 triệu đồng và trả lại ngay 13 triệu đồng. Năm ngày sau đó, ông Thuận tiếp tục cho Quí vay 300 triệu đồng…, với tổng số tiền lên đến gần 800 triệu đồng.
Ông Thuận chỉ là một trong những nạn nhân của Quí trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên. Đến ngày 18-7-2019, đã có hàng chục nạn nhân gửi đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ tố cáo hành vi phạm tội của Quí với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, khi cho vay tiền mà vẫn chưa trả tiền gốc khoản vay lần trước, Quí thường đưa ra lý do như ngân hàng chưa cho vay do chưa có tiền trả nợ. Nay có khách vay khoản tiền lớn hơn để đáo hạn thì lại tiếp tục vay tiền.
Trong vụ án này, Quí đã sử dụng một thủ đoạn rất cao tay để đánh vào lòng tin của người bị hại, khiến các nạn nhân rơi vào “cái bẫy” do thị đặt ra. Để các nạn nhân khác tin tưởng, tiếp tục cho thị vay tiền mà vẫn chưa phải trả khoản vay trước đó, khi vay tiền Quí thường đem theo số tiền mặt tương ứng với khoản vay trước đó và trả tiền lãi trước cho các nạn nhân và nói rằng đó là tiền “mầu” khách trả. Với phương thức này, Quí đã khiến các nạn nhân tin tưởng, tiếp tục cho thị vay thêm tiền.
Vụ việc vỡ lở khi Quí chây ỳ không trả tiền. Sau đó, có hàng chục nạn nhân khác kéo đến đòi nợ. Quá trình điều tra, giữa tháng 7-2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Quí về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, số tiền vay của nhiều người bị hại, Quí đã đem cho Phan Thị Việt Long và Nguyễn Ngọc Ly (cũng trú tại Phú Thọ) vay lại với mức lãi suất cao hơn để ở giữa hưởng chênh lệch. Đến khoảng cuối tháng 7-2017, Long và Ly không trả lãi và gốc nên Quí cũng mất khả năng thanh toán. Vì vậy, Quí đã lấy khoản vay của người này để trả lãi cho người kia và trả lãi cho chính người cho vay…
Đó chỉ là một trong những vụ án lừa đảo bằng thủ đoạn này xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua. Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã liên tiếp khởi tố 3 vụ án với thủ đoạn tương tự với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay phương thức phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “vay đáo nợ ngân hàng” rất tinh vi. Ngoài thủ đoạn trên, một số đối tượng còn đưa người bị hại đến trước cửa các ngân hàng để tiến hành giao dịch. Trong trường hợp này, chúng chọn thời điểm là lúc cuối buổi chiều…
Sau đó, với lý do đã muộn giờ, đối tượng không cho các nạn nhân gặp gỡ các cán bộ tín dụng. Trường hợp của Phan Thị Việt Long và Lê Thị Hân (cùng trú tại tỉnh Phú Thọ), hai đối tượng vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một ví dụ.
Khi tiếp xúc với nạn nhân, Long tự giới thiệu rằng chị ta vay tiền để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho khách hàng ở Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Phú Thọ ở khu 1, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao. Màn kịch của Long hoàn hảo đến mức, ngay cả những người làm trong lĩnh vực tài chính như chủ của các cơ sở kinh doanh cầm đồ cũng rơi vào cái bẫy.
Một trong những nạn nhân của Long có anh Nguyễn Tiến D (trú tại huyện Lâm Thao), một người làm nghề kinh doanh cầm đồ, có tiền cho vay. Để lừa nạn nhân, đối tượng hứa hẹn sẽ chia đôi lợi nhuận, khi các hợp động đáo nợ ngân hàng hoàn tất. Các lần nhận tiền, Long đưa họ đến trước cửa ngân hàng để giao dịch…
Để tránh sự phát hiện của người bị hại, đối tượng thường đến sớm hơn so với giờ hẹn…, rồi thông báo có khách hàng cần đáo nợ ngân hàng, yêu cầu nạn nhân mang tiền đến để cho vay. Trong các lần nhận tiền vay, Long đều viết giấy vay theo mẫu của anh D đưa cho và cam kết trả tiền theo đúng thời hạn. Ở cả hai lần vay tiền, khi nhận tiền vay của anh D, Lê Thị Hân là chị họ của Long đã đi cùng, ký tên vào mục người làm chứng trong giấy vay tiền…
Do làm ăn thua lỗ, Thành sử dụng chiêu thức “vay đáo nợ ngân hàng” để lừa đảo. Để tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách dựng lên màn kịch quen biết nhiều cán bộ ngân hàng. Sau đó, Thành mua sim rác rồi tự lưu tên, ghi là cán bộ ngân hàng; chủ động soạn thảo các tin nhắn, gửi vào máy điện thoại khác của chính mình.
Nội dung các tin nhắn gửi đến cho biết họ cần tiền để giúp khách hàng hoặc giới thiệu cho họ “vay ngân hàng để đáo hạn” . Với những tin nhắn trên, Thành đã dễ dàng lừa được nhiều nạn nhân. Sau khi đọc các tin nhắn trên màn hình do Thành gửi đến, các nạn nhân tin rằng đó là sự thật đã đồng ý cho chị ta vay vốn.
Cảnh báo về thủ đoạn phạm tội này, Thượng tá Phạm Đình Thi cho biết thực tế hiện nay một số trường hợp khách hàng không muốn bị liệt kê vào danh sách nợ xấu thì họ đã nghĩ đến việc “vay đáo nợ ngân hàng”. Nhưng lợi dụng việc này, một số đối tượng đã lừa những người có tiền nhàn rỗi và muốn cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng, vì thế trước những lời đề nghị hấp dẫn, mỗi người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác; tỉnh táo để tránh sập bẫy của các đối tượng phạm tội.