Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung của cả nước năm 2018 theo giá hiện hành đạt 3,88 triệu đồng (tăng 778 nghìn đồng so với năm 2016), tăng 25,1% so với năm 2016 (khu vực thành thị đạt 5,62 triệu đồng, tăng 23,5%; khu vực nông thôn đạt 2,99 triệu đồng, tăng 23,4%), bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 11,9%/năm.
Tốc độ tăng thu nhập theo giá so sánh (thu nhập sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) của giai đoạn 2016-2018 là 8%, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của giai đoạn 2014-2016 nhưng thấp hơn 1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của thời kỳ 2012-2014.
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2018 theo giá hiện hành của các vùng trên cả nước đều tăng so với năm 2016, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tốc độ tăng thu nhập cao nhất với 29,1%, tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 27,9%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 25,1%; vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 24,5%; vùng Đông Nam Bộ tăng 22,5% và vùng Tây Nguyên tăng 22,4%.
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 9,32 triệu đồng, tăng 23,5% so với năm 2016 và gấp 10 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất đạt 932 nghìn đồng, tăng 20,9%.
Chênh lệch thu nhập và phân hoá giàu nghèo trong dân cư còn được thể hiện qua Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GINI). Hệ số GINI có giá trị từ 0 đến 1. Giá trị của hệ số GINI bằng 0 thể hiện sự bình đẳng tuyệt đối và ngược lại nếu hệ số GINI bằng 1 thể hiện sự bất bình đẳng tuyệt đối. Theo đó thì giá trị của hệ số GINI càng lớn thì sự bất bình đẳng càng cao.
Hệ số GINI cả nước năm 2018 là 0,424, trong đó khu vực nông thôn là 0,407 có sự chênh lệch nhiều hơn so với 0,372 của khu vực thành thị (con số tương ứng của năm 2016 là 0,431; 0,408; 0,391). Điều này cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở nông thôn hiện đang cao hơn thành thị.
Về chi tiêu, chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2018 theo giá hiện hành đạt 2,55 triệu đồng, tăng 18% so với năm 2016 (khu vực nông thôn đạt 2,1 triệu đồng, tăng 19,3%; khu vực thành thị đạt 3,5 triệu đồng, tăng 14,3%), bình quân mỗi năm thời kỳ 2016-2018 tăng 8,6%.
Tốc độ tăng chi tiêu bình quân đầu người theo giá so sánh (chi tiêu sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) đạt 4,9%/năm, thấp hơn so với tốc độ tăng 5,2%/năm của thời kỳ 2014-2016.
Xét theo vùng kinh tế, chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng trong giai đoạn 2014-2016 tăng ở tất cả các vùng, trong đó tốc độ tăng cao nhất là Tây Nguyên (12,5%/năm), chậm nhất là Đông Nam Bộ (5,3%/năm).
Năm 2018 tỷ lệ nghèo đa chiều là 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017, đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược giảm nghèo quốc gia. Xu hướng giảm này ở cả thành thị, nông thôn và các vùng kinh tế, đây cũng là kết quả tích cực của công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.
Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung được cải thiện, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.
Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 4.402 xã (đạt 49,4%) và 76 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thiếu đói trong nông dân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Sáu, cả nước có 1,7 nghìn hộ thiếu đói, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 6,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 44,7%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 65 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 261,9 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 30%.
Thiếu đói trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai và Đắk Lắk. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 3,7 nghìn tấn lương thực.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 4 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2,2 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và gần 0,7 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 19 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.