Sáng 27-6, tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Alibaba (120-122 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM), phía trước nơi làm việc, nhiều ôtô đậu sẵn để chờ chở khách đi tham quan dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City (tỉnh Bình Thuận). Không khí tại đây sôi động vì số lượng nhân viên lên đến khoảng 200 người.
Mỗi lần đòi tiền, rơi vào áp lực
Những khách hàng lên xe để tham quan dự án phần lớn là người lớn tuổi. Khi phóng viên tiếp cận 4 khách hàng có ý định chuẩn bị đi tham quan dự án, đặt câu hỏi liên quan đến thông tin dự án của Alibaba tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị cưỡng chế), những người này cho biết có nghe nói nhưng về pháp lý thì Alibaba đúng (?).
Tại quán nước gần trụ sở công ty, chúng tôi gặp bà T. (58 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) đang ôm xấp hồ sơ liên quan Alibaba. Bà cho biết được người bạn giới thiệu nên đã ký hợp đồng, đóng số tiền bằng 95% giá lô đất, là hơn 450 triệu đồng. Theo cam kết, lợi nhuận sẽ đạt 12%/6 tháng. Thế nhưng đến nay, hơn 1 năm mà vẫn chưa nhận được tiền lãi, cũng chưa thấy dự án hoàn tất hồ sơ, thủ tục.
“Hôm nay, tôi đến tiếp tục đòi lại tiền vốn. Nhân viên nói vòng vo. Mục đích cuối cùng của họ là muốn tôi dùng số tiền này tiếp tục đầu tư ở dự án tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Trong khi ban đầu mua mảnh đất tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai” – bà T. thở dài và kể lúc ký hợp đồng tái đầu tư, do không đọc kỹ nội dung yêu cầu không tiết lộ thông tin hợp đồng nên giờ bà đang lo lắng nếu mang việc này khiếu kiện tranh chấp dân sự thì sẽ mất trắng.
Tương tự, ông L. (61 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết qua giới thiệu từ bà T. nên ông đầu tư tiền vào 2 lô đất của Alibaba cách đây hơn 2 tháng. Tuy nhiên, những ngày qua, đọc báo thấy thông tin Alibaba bán dự án “ma” nên ông đến công ty đòi lại tiền nhưng bất thành. Nhân viên hẹn phải đủ 6 tháng như cam kết mới trả tiền và phần lãi. “Hôm nay, vào trụ sở công ty, gặp nhân viên môi giới để đòi lại tiền, lập tức có nhiều nhân viên khác bao quanh. Chưa kể những người mặc áo đen ghi dòng chữ “An ninh địa ốc Alibaba” đứng khắp nơi khiến tôi lo sợ. Mỗi lần đòi tiền là rơi vào cảnh bị áp lực” – ông L. kể.
Hẹn, hứa, né tránh
Trong khi đó, ông Trần Văn T. (quê Bình Định; ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) đã tròn 1 năm mua đất với giá 330 triệu đồng (95% giá bán lô đất) của Alibaba tại nơi gọi là dự án Tân Thành Riverside, đến nay vẫn chưa nhận được đồng tiền lãi nào dù liên hệ nhiều lần. Nhân viên Alibaba cứ hẹn, hứa, né tránh. Đáng nói là ông T. cũng như nhiều khách hàng khác đã phải đến công ty chầu chực nhiều lần mà không gặp được người có trách nhiệm để trả lời.
“Trước đây, tôi là nhân viên của công ty này. Sau đó, thấy cách làm ăn của công ty không ổn nên tôi xin nghỉ khi đã lỡ mua lô đất này. Từ đó, tôi cứ theo đòi tiền mãi nhưng cả lãi và vốn đều không được. Tôi hiểu được cách họ kinh doanh nên không muốn nhiều người khác phải mất tiền. Còn tôi, đòi hoài không được nên xác định mất thì cũng đã mất rồi, chỉ mong lên tiếng để không có nhiều người bị như tôi” – ông T. chia sẻ.
Ông Thượng (nhà quận 10, TP HCM) – một khách hàng “ôm” 2 lô đất tại nơi mà Alibaba rao là dự án Long Phước 1 – cho biết hơn 1 năm qua không lấy được tiền lãi từ Alibaba dù đã bỏ ra 1 tỉ đồng. Lý do là ông Thượng không đồng ý với mức lãi theo lãi suất ngân hàng mà Alibaba đưa ra. Hiện ông Thượng chuẩn bị làm đơn đòi bán lại đất và thu tiền cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, ông Thượng thừa nhận rất khó, không biết Alibaba sẽ tính toán như thế nào.
Trước đó, Báo Người Lao Động ngày 22-6 đã thông tin trường hợp anh Phùng Tiến Tài (ngụ Đồng Tháp). Anh Tài đã được nhân viên của Alibaba dẫn đến tận địa chỉ khu đất họ nói là dự án Long Phước 5 – nơi có lô đất mà anh ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng từ hồi tháng 6-2017
Theo hợp đồng, anh Tài mua lô đất có hạ tầng kỹ thuật đi kèm là giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt… Tổng giá trị chuyển nhượng hơn 366 triệu đồng. Theo đó, trong vòng 12 tháng ký hợp đồng và thanh toán 95% cho Alibaba thì hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tiến đến ký hợp đồng chính thức tại cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, trong vòng 6 tháng kể từ khi ký hợp đồng thì khách hàng có văn bản yêu cầu giao nền. Nếu chậm giao thì công ty sẽ bị phạt và trả lãi.
Tuy nhiên, sau khi đóng đủ 95% vào tháng 2-2018, sau 6 tháng, anh vẫn chưa nhận được nền nên Alibaba đã tính lãi chậm giao nền với mức 5,6 triệu đồng. Sau đó, tháng 11-2018, Alibaba lại ra thông báo là đã chuẩn bị bàn giao nền nên không trả lãi chậm. Anh chờ thêm 7 tháng nữa mới đến nhận nền thì hoàn toàn là một bãi đất trống.
Người dân địa phương bất bình
Tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, người dân địa phương vẫn chưa hết bàn tán xen lẫn bất bình trước sự việc Alibaba đưa nhiều người đến xem dự án mà công ty đã rao bán tràn lan trước đó trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ xã Thắng Hải) cho biết khoảng giữa tháng 6, nhiều xe du lịch chở khách, trong đó có nhiều người mặc đồng phục của Alibaba, tập trung về một khu vực đất trồng keo lá tràm, cứ nghĩ là các tour du lịch dẫn khách đi tham quan rừng trồng. Đất ở đây cây cối um tùm, không hiểu phân lô bán nền xây dựng khu dân cư kiểu gì? Còn ông Nguyễn Văn Hồng (cũng ngụ ở xã này) nói: “Tôi đã ở đây mấy chục năm, đất đai thiếu nước cằn cỗi nên đa số trồng keo lá tràm giữ đất, không hiểu Alibaba thuyết phục gì mà lại có đông người đến xem, mua đất”.
Ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, cho biết vào ngày 4-6, địa phương có lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 5 cá nhân, trong đó bà Tôn Nữ Thị Lộc (ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được ủy quyền chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thái Lĩnh (ngụ tỉnh Gia Lai). Theo hợp đồng, diện tích chuyển nhượng hơn 311.000 m2 ở xã Thắng Hải, diện tích này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mục đích trồng cây lâu năm. Khoảng 10 ngày sau đó, khu vực đất vừa chuyển nhượng bắt đầu xuất hiện nhiều phương tiện và người lạ mặt. Qua tìm hiểu, địa phương mới biết những người này đến để xem đất của Alibaba Thắng Hải Newtimes City.
Trước đó, Alibaba tổ chức rầm rộ lễ mở bán dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City tại TP HCM, sau đó tổ chức đưa khách hàng ra xem dự án. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 10 ngày sau khi mua đất nông nghiệp của các hộ dân, Alibaba đã rao bán đất nền mà theo giới thiệu là “siêu phẩm”, được phân ra hơn 1.800 nền, giá bán 1,9 triệu đồng/m2.
Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2020 của huyện Hàm Tân, khu vực được cho là dự án của Alibaba là đất nông nghiệp. Ông Trác Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, cho biết địa phương đang tăng cường theo dõi, kiểm tra vị trí đất mà Alibaba dự kiến thành lập dự án. “Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nếu có các vi phạm về đất đai, xây dựng” – ông Cường nhấn mạnh.
Công an thường xuyên nhận đơn tố cáo Alibaba
Công an quận Thủ Đức, TP HCM cho biết thường xuyên nhận được đơn tố cáo, phản ánh của người dân về hoạt động mua bán đất của Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Alibaba. Tuy nhiên, những hợp đồng này là tranh chấp dân sự nên lực lượng công an ghi nhận thông tin và hướng dẫn người dân nộp đơn đến tòa án. Ngoài ra, Công an quận Thủ Đức đang phối hợp Công an thị xã Phú Mỹ và Bộ Công an để trao đổi thông tin, thu thập chứng cứ nhằm làm rõ hoạt động của Alibaba.
UBND thị xã Phú Mỹ cũng đang phối hợp các cơ quan liên quan lên kế hoạch cưỡng chế khu đất của ông Nguyễn Ngọc Sự mà Alibaba rao bán nền tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ. Trước đó, UBND thị xã Phú Mỹ đã ký quyết định cưỡng chế khu đất này. Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã thu thập hồ sơ về các khu đất được cho là Alibaba đang kêu gọi đầu tư góp vốn kinh doanh (thực chất là chuyển nhượng nền đất) và cũng nhận được đơn tố cáo Alibaba có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, công an đã mời những người đứng tên chủ sử dụng đất, lãnh đạo Alibaba làm việc để giải quyết đơn tố cáo, thông tin phản ánh nhưng tất cả đều không đến.
Người lao động