Cò đất tại Bắc Vân Phong ôm “giấc mơ đặc khu” để bán hàng

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản gỡ lệnh tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh). Ngay khi văn bản này có hiệu lực, nhiều luồng thông tin cho rằng thị trường bất động sản Bắc Vân Phong đang dậy sóng. Thực hư ra sao?

Thị trường tê liệt cả năm

Trong 2 năm 2017 và 2018, thông tin đặc khu đã khiến Bắc Vân Phong trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản cả nước. Những cơn bão đất càn quét Vạn Ninh (Khánh Hòa) suốt thời gian này. Khi đó, giá đất mặt tiền những tuyến đường lớn của thị trấn Vạn Giã vọt lên 80-90 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm chưa sốt đất, những mảnh đắc địa, giá chỉ dao động từ 35-50 triệu đồng/m2. Những mảnh có vị trí bên trong thuộc khu vực thị trấn, từ mức 14-18 triệu đồng/m2 cũng bị thổi lên mức 28-35 triệu đồng/m2.

Đất ở các xã như Tân Dân, Vạn Khánh, Ninh Giã – nơi từng có thông tin về tuyến đường huyết mạch, được ví như xương sống của đặc khu tương lai, từ mức 1-3 triệu đồng/m2 bị thổi lên 8-14 triệu đồng/m2. Nhiều lô đất ở Vạn Lương, Vạn Phước, Vạn Bình, Đại Lãnh… trước đó chỉ có giá cao nhất vài trăm triệu thì trong cơn sốt, giá dựng đứng lên tới cả tỉ đồng mỗi lô.

Tình trạng bơm thổi, hỗn loạn thị trường khiến đầu tháng 4/2018, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Khánh Hòa, yêu cầu chỉ đạo các ban, ngành liên quan triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản.

Tiếp đó, ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh ký văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh).

Sau hàng loạt động thái này, bất động sản Bắc Vân Phong đóng băng hoàn toàn. Giá đất sụt giảm mạnh, thị trường không có giao dịch. Giới đầu tư đồng loạt tháo chạy, hàng loạt văn phòng nhà đất đóng cửa.

Bắc Vân Phong đang sốt trở lại?

bất động sản huyện Vạn Ninh
Giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)
đã được thông trở lại từ ngày 17/6. Ảnh minh họa

Sau hơn 1 năm tê liệt, mới đây, ngày 17/6, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấm dứt hiệu lực văn bản số 4391 về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn bàn huyện Vạn Ninh. UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND huyện Vạn Ninh và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong giải quyết các hồ sơ đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh theo đúng trình tự pháp luật. Sở Tài nguyên, Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực của văn bản 4391.

Điều này đồng nghĩa các giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) sẽ được mở trở lại từ ngày 17/6. Ngay sau khi văn bản có hiệu lực, thị trường bắt đầu râm ran thông tin đất Bắc Vân Phong sôi động trở lại, giao dịch và giá bắt đầu rục rịch tăng.

Những ngày qua, theo ghi nhận của PV Đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa, bộ phận một cửa UBND huyện Vạn Ninh luôn trong tình trạng quá tải vì tiếp nhận hồ sơ liên quan đến đất đai. Chưa đầy 10 ngày, bộ phận một cửa đã tiếp nhận gần 700 hồ sơ liên quan đến việc chuyển đổi, chuyển nhượng sử dụng đất, cấp mới và cấp giấy chứng nhận với đất. Được biết, trong thời gian tạm dừng hoạt động liên quan đến đất đai, huyện có khoảng 900 hồ sơ bị tồn đọng.

Thực tế này cho thấy thị trường Bắc Vân Phong đã có những khởi sắc tất yếu khi “vòng kim cô” được tháo bỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên  phần lớn những giao dịch được giải quyết trong thời gian này đến từ khoảng 900 hồ sơ bị tồn đọng trong giai đoạn đóng băng. Người giao dịch chủ yếu là dân địa phương đến giải quyết việc tách thửa cho các thành viên trong gia đình hoặc các hộ dân tại địa phương có nhu cầu mua ở thực.

Thị trường vẫn có sự góp mặt của giới đầu tư đến từ Hà Nội, Sài Gòn – những người đã “bám” ở Bắc Vân Phong từ trước. Đặc điểm của giới đầu tư này là trường vốn hoặc đã thoát hàng thành công trước khi thị trường đóng băng. Tuy nhiên, đội ngũ nhà đầu tư “đánh bắt xa bờ” không còn đông đảo như trước. Các giao dịch xuất phát từ đội, nhóm đầu tư này chủ yếu tập trung ở đất đấu giá, tái định cư –  những lô đất quy hoạch, pháp lý rõ ràng, tọa lạc ở những vị trí đẹp của Vạn Ninh. Số lượng giao dịch không nhiều, giá giao dịch cũng không hề tăng như đồn thổi mà có xu hướng trở về giá trị thực như thời điểm khi chưa có bão đất.

Hiện đất tái định cư khu vực Hải Triều được chào bán từ 14-14,5 triệu đồng/m2, tái định cư Đại Lãnh giá từ 7-10 triệu đồng/m2… Nhiều lô đất lớn ở Vạn Ninh, trong đó có 1 phần đã được lên thổ cư, giá chào bán từ 3-4 triệu đồng/m2; đất tại Vạn Hưng giá chào bán từ 2-3 triệu đồng/m2… Thị trường không còn ghi nhận sự xuống tiền ồ ạt với cả đất rừng, đất vườn, đất nuôi trồng thủy hải sản như trước.

Một nhà đầu tư giấu tên cho biết đất Bắc Vân Phong hiện không có cửa cho nhà đầu tư lướt sóng. Thời điểm này nếu đổ tiền vào Bắc Vân Phong phải xác định đi đường dài. Ngoài việc được phép giao dịch trở lại, Bắc Vân Phong hiện chưa có cú huých nào đáng kể về chính sách, quy hoạch hay các siêu dự án… để có thể làm bùng lên một cơn sốt mới. So với Phú Quốc và Vân Đồn thì Bắc Vân Phong vẫn kém phát triển nhất.

Hiện môi giới, cò đất đều đang vin vào “giấc mơ quy hoạch đặc khu” để bán hàng, trong khi câu chuyện đặc khu vẫn còn để ngỏ trên nghị trường và có thành hiện thực hay không thì không ai dám khẳng định.

Bình Nguyên

(Theo Enternews.vn)

Có thể bạn quan tâm

Diễn biến mới nhất tại siêu dự án du lịch tâm linh 1.500ha có hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ Tam Tôn (Hải Dương) tỷ phú “ăn chay” Xuân Trường muốn đầu tư

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao UBND tỉnh Hải Dương triển khai các …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *