6 tháng qua, các doanh nghiệp ở TPHCM nhập khoảng 4.000 tấn thịt heo đông lạnh, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Cục Hải quan TPHCM 6 tháng qua, các doanh nghiệp ở khu vực này đã nhập khoảng 4.000 tấn thịt heo đông lạnh, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này làm người chăn nuôi lo lắng nhất là khi nguồn cung trong nước đang đáp ứng đủ nhu cầu, giá thịt heo lại đang có chiều hướng giảm mạnh.
Chị Nguyễn Thị Hương cho biết, trước sự bùng phát của bệnh dịch tả heo châu Phi tại một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, nhiều người nuôi phải giảm đàn, có hộ nghỉ nuôi, nhưng giá heo cũng không tăng lên mà tiếp tục có chiều hướng giảm.Trại heo của chị Nguyễn Thị Hương ở xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có 600 heo thịt tới lứa xuất chuồng, nhưng mấy ngày nay chị chưa xuất chuồng được đợt nào. Chị Hương chủ động kêu thương lái, họ ra giá 35.000-36.000 đồng/kg nhưng rồi cũng lắc đầu quay đi vì hiện nay sức tiêu thụ chậm.
Khi người chăn nuôi heo đang đau đầu với giá cả thì nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước lại ồ ạt nhập thịt heo đông lạnh. Điều này khiến người chăn nuôi lo lắng.
“Heo bây giờ ít mà tiêu thụ rất khó. Heo bán không được, thương lái ép giá, người chăn nuôi đang hoang mang không dám tái đàn. Tôi mong cơ quan chức năng cân nhắc, xem xét việc nhập thịt”, chị Nguyễn Thị Hương kiến nghị.
Theo một số hiệp hội chăn nuôi của các tỉnh Đông Nam bộ, việc cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp ồ ạt nhập thịt heo vào thời điểm hiện nay sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi khi họ đang bị kiệt quệ do thiệt hại của bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Giá thịt heo nhập khoảng 30.000 đồng/kg, rẻ hơn giá thịt heo trong nước. Đồng thời, đây cũng là một sự cạnh tranh chưa bình đẳng vì nguồn thịt nhập của nước ta chủ yếu là từ Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan… trong đó có một số nước vẫn cho dùng chất tạo nạc Ractopamine. Mặc dù, những quốc gia này cũng quy định ngưng sử dụng chất tạo nạc một thời gian trước khi đưa vào giết mổ và giới hạn tối đa hàm lượng cho phép, nhưng điều này cũng là bất hợp lý vì Việt Nam cấm dùng chất tạo nạc.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Sắp tới thịt heo có thể thiếu nhưng không thiếu trầm trọng đến mức các doanh nghiệp nhập ồ ạt. Khi thịt heo nhập khẩu vào nhiều thì chắc chắc giá thịt heo trong nước sẽ giảm sâu. Ngành chăn nuôi heo trong nước sẽ bị đánh sập. Một mối lo nữa cho người tiêu dùng là sử dụng thịt nhập chăn nuôi có sử dụng chất cấm và được đóng mác thịt an toàn”.
Thống kê của Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 4.000 tấn thịt heo đông lạnh, trị giá hơn 7 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Việc nhập thịt heo của các doanh nghiệp tại thành phố chủ yếu nhằm phục vụ cho việc chế biến thực phẩm, sản xuất nhãn hàng riêng cho siêu thị và bán cho các bếp ăn công nghiệp, trường học…. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo trữ đông để “đón đầu” vì theo dự báo có thể trong thời gian tới giá heo sẽ tăng cao. Chính vì vậy, hiện nay các kho đông lạnh của các doanh nghiệp thuê trữ thịt đông lạnh đầy ắp.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) phân tích rằng, việc nhập thịt heo đông lạnh cũng có 2 mặt, nếu nguồn cung thiếu hụt thì có sẵn nguồn đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời doanh nghiệp cũng có lợi vì giá thịt tăng cao, nếu ngược lại thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng tồn kho này.
“Nếu dịch tả heo Châu Phi được ngăn chặn và không phát triển ở các trang trại lớn, tổng đàn giữ tương đối ổn, nhu cầu người tiêu dùng quay trở lại bình thường, thì hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập về chuẩn bị “đón đầu” cho nguồn cung thiếu hụt sẽ không giải quyết được. Khi đó doanh nghiệp nhập khẩu về trữ hàng sẽ gặp khó khăn”, ông An cho hay.
Khi nguồn thịt heo trong nước thiếu thì việc nhập thịt để đáp ứng nhu cầu của thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung trong nước vẫn ổn và người chăn nuôi rất khó khăn trong việc tiêu thụ thịt heo thì việc cho nhập thịt heo ồ ạt thời điểm này cần phải cân nhắc./.
VOV