Reuters dẫn tuyên bố gửi bằng email từ phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia Arend Zwartjes cho biết Bộ an ninh Nội địa Mỹ đã phát hiện và trừng phạt các công ty này.
Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập tới tên, số lượng công ty bị phạt, mức phạt hay hàng hóa mà các công ty này đã tuồn qua Đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) ở Campuchia.
Cục Hải quan và Bộ Ngoại giao Campuchia chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Trung Quốc là nhà tài trợ và nhà đầu tư viện trợ lớn nhất của Campuchia. Bắc Kinh rót hàng tỷ USD hỗ trợ phát triển và cho Phnom Penh vay thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm mục đích củng cố các liên kết trên đất liền và trên biển với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Đặc khu kinh tế Sihanoukville, cách thủ đô Phnom Penh 210 km về phía Tây là kết quả hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường. Các mặt hàng được sản xuất chủ yếu tại đây bao gồm hàng dệt may, túi xách, các sản phẩm từ da
SSEZ cũng không phản hồi sau khi Reuters gửi câu hỏi yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Theo thỏa thuận thương mại được mở rộng năm 2016, Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Mỹ cho phép Campuchia xuất khẩu hàng hóa du lịch như túi xách, hành lý và phụ kiện sang Mỹ mà không phải đóng thuế.
Kaing Monika, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC), đại diện cho 600 nhà máy may mặc tại quốc gia này nói ông không nắm được thông tin mà Reuters đăng tải.
Ngành may mặc là ngành thu hút nhiều nhân lực nhất tại quốc gia Đông Nam Á. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới vào tháng 4, kinh tế Campuchia tăng 7,5% trong năm 2018, nhỉnh hơn 7% trong năm 2017. Mức tăng này có công lớn từ các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.
(Nguồn: Reuters)