Những khoản vay – thường không được công bố công khai – mà Trung Quốc dành cho các quốc gia khác có thể lớn hơn nhiều so với các số liệu chính thức, dẫn đến những khoản nợ ngầm có nguy cơ reo rắc những rủi ro cho kinh tế thế giới.
Đó là nhận định được Carmen Reinhart, giáo sư ĐH Harvard đưa ra tại một diễn đàn đầu tư mới được tổ chức ở Singapore. Theo bà, tính chất thiếu minh bạch của những khoản nợ này ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đang xem xét mua trái phiếu được phát hành bởi các quốc gia có vay nợ Trung Quốc, đồng thời cũng ảnh hưởng đến các tổ chức quốc tế như IMF – định chế thường xuyên giải ngân các gói vay cho các quốc gia.
“Sự nổi lên của Trung Quốc với vai trò là chủ nợ toàn cầu cũng đồng nghĩa chúng ta có rất nhiều khoản nợ ngầm thiếu minh bạch. Có nhiều nước đã vay tiền của Trung Quốc nhưng khoản vay đó lại không được IMF hay World Bank biết đến. Trong trường hợp đó, những nước này được cho là có mức nợ thấp nhưng thực chất mức độ nợ lại cao hơn rất nhiều, do đó ảnh hưởng đến các phân tích về tính bền vững nợ và gây ra nhiều rủi ro”, bà kết luận. Còn đối với các nhà đầu tư, thông tin thiếu minh bạch khiến họ không thể đưa ra quyết định đầu tư chính xác khi mua vào trái phiếu được phát hành bởi các nước này.
Các khoản vay này thường không được công khai, hai bên ngầm thỏa thuận với nhau và Trung Quốc thường yêu cầu tài sản đảm bảo bằng các tài sản quốc doanh. Một ví dụ là Trung Quốc cho Venezuela vay bằng những thùng dầu.
Cả World Bank và IMF đều đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia cần minh bạch hơn về những khoản vay này. Thông báo của World Bank nhận định các khoản nợ ngầm không chỉ là vấn đề gây rắc rối cho World Bank và IMF mà còn cho chính các quốc gia vay nợ. Khi những khoản nợ này đột ngột bị phanh phui, chắc chắn chi phí đi vay sẽ tăng lên hoặc thậm chí trong trường hợp xấu nhất các nước có thể bị nhà đầu tư xa lánh.
Theo Kaho Yu, chuyên gia phân tích cao cấp tại Verisk Maplecroft, mặc dù đúng là khoản vay từ Bắc Kinh có thể giúp ích cho các nước đang phát triển, sự mơ hồ, thiếu minh bạch cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng kéo lùi tăng trưởng kinh tế.
Thời gian gần đây Trung Quốc bị nhiều bên chỉ trích là đang đẩy nhiều nước vào cảnh nợ nần thông qua sáng kiến Vành đai con đường với những khoản nợ khổng lồ dành cho nhiều quốc gia trải khắp các khu vực từ Trung Á đến châu Phi và châu Âu đã gặp nhiều chỉ trích. Yu bổ sung thêm rằng Trung Quốc thường cam kết với các nước đang phát triển rằng họ có thể dễ dàng hoàn trả nợ khi dự án đi vào hoạt động, nhưng thực tế là không có gì có thể đảm bảo.
Tổng cộng các định chế tài chính của Trung Quốc đã rót hơn 440 tỷ USD tài trợ cho các dự án thuộc sáng kiến Vành đai con đường, theo chia sẻ của Thống đốc NHTW Trung Quốc Yi Gang hồi tháng trước. Phần lớn nguồn vốn được giải ngân bởi 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Hồi tháng 4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho biết họ đã cấp các khoản vay trị giá 149 tỷ USD cho hơn 1.800 dự án, trong khi Ngân hàng phát triển Trung Quốc cũng đã tài trợ 190 tỷ USD cho hơn 600 dự án kể từ năm 2013 đến nay.
Năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải chuyển giao một cảng biển mang tính chiến lược cho Bắc Kinh, sau khi không thể trả các khoản nợ đúng hạn cho các công ty Trung Quốc. Đây được coi là ví dụ cho thấy các quốc gia vay nợ Bắc Kinh có thể bị buộc phải từ bỏ một phần lãnh thổ hoặc phải nhượng bộ rất lớn nếu như không thể trả nợ. Hiện tượng này được gọi là ngoại giao bẫy nợ, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định họ không áp dụng chiến thuật này.
Giới phân tích dự báo trong bối cảnh rủi ro đang tăng lên – dù là kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay các dự án thuộc sáng kiến Vành đai con đường không thuận buồm xuôi gió, các khoản vay từ Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới. Cán cân vãng lai thặng dư lớn giúp Trung Quốc có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ và số USD đó được sử dụng để cho nước ngoài vay. Tuy nhiên giờ đây thặng dư cán cân vãng lai của Trung Quốc đang nhỏ lại, do đó làm giảm khả năng cho vay bằng USD của nước này.
Theo Trí thức trẻ/CNBC