Trong bức thư gửi cho ủy viên Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) ông Kevin McAleenan, đại diện của bang Illinois – ông Darin LaHood cho biết đã nhận được một đơn kiện bằng thư điện tử vào ngày 12/5 liên quan tới việc Tập đoàn Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ.
Ông LaHood trích nội dung đơn kiện cho biết Minh Phú Group tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng Mỹ.
“Dựa trên thông tin mà đơn kiện đưa ra, tôi đề nghị CBP điều tra xem liệu một nhà nhập khẩu của Mỹ và các công ty có liên quan tại Việt Nam có đang tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ hay không”, ông LaHood ghi trong bức thư. Hai trong số các công ty mà ông LaHood đề cập đến được xác định là Minh Phú và công ty nhập khẩu tại Mỹ của tập đoàn là Mseafood Corporation, theo ông LaHood.
Cụ thể, Minh Phú bị cáo buộc mua một lượng lớn tôm đông lạnh của Ấn Độ, chế biến ở mức “tối thiểu” tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam, ông LaHood nói. Nếu đúng, CBP phải giải quyết việc tránh chống bán phá giá với tôm Ấn Độ cũng như việc dán nhãn sai của hàng hóa càng sớm càng tốt.
“Số liệu trong đơn kiện cho biết ngay sau khi Minh Phú được xóa khỏi danh sách bị áp thuế chống bán phá giá với tôm, công ty này tăng đáng kể lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ thông qua Mseafood nhằm tận dụng việc không bị áp thuế chống bán phá giá”.
Kết quả, Minh Phú trở thành một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, ông LaHood cho biết. “Cùng thời điểm đó, số liệu trong đơn kiện cho biết các nhà sản xuất tôm của Ấn Độ cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam”.
“Đơn kiện cũng cho rằng các công ty này có thể đã vi phạm Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ”.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bắt đầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia khác từ năm 2005. Tuy nhiên, lệnh áp thuế đối với Minh Phú được thu hồi từ tháng 7/2016. Từ thời điểm này, Minh Phú không cần phải cung cấp dữ liệu về hoạt động sản xuất cho DOC cũng như bị cơ quan này thanh tra hàng năm, theo bức thư của ông LaHood.
NDH