Việt Nam đã phải tiêu huỷ 1,2 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi

Mặc dù số lượng lợn bị mắc bệnh chỉ chiếm 4% tổng đàn lợn của cả nước nhưng cho đến nay tốc độ lây lan vẫn rất nhanh…

Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con.

Đây là thông tin mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại buổi họp trực tuyến toàn quốc để đánh giá, rà soát công tác chỉ đạo, ứng phó với dịch tả lợn châu Phi ngày 13/5.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ tháng 8/2018, khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, Việt Nam đã chủ động phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo sát sao, Bộ Nông nghiệp cũng đã xây dựng các kịch bản đối phó, tuy nhiên, tốc độ lây lan dịch bệnh rất nhanh.

“Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cũng cho rằng, dù số lượng lợn bị mắc bệnh chỉ chiếm 4% nhưng tốc độ lây lan rất nhanh, cùng với đó thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh những địa phương làm tốt thì vẫn có những nơi, những khâu làm chưa tốt, cần rút kinh nghiệm.

Theo dự báo, bệnh sẽ tiếp tục lan truyền phức tạp, nên Bộ trưởng Cường lưu ý, công tác chỉ đạo phải siết lại để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra, giảm nguy cơ lây lan, đặc biệt trong khu chăn nuôi lớn.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến cũng cho biết, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập.

Nguyên nhân là do mật độ chăn nuôi lợn dày đặc trong các thôn/xóm, nhất là ở các tỉnh thuộc khu vục đồng bằng sông Hồng, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mặt khác, công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.

“Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để. Một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện, có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường”, ông Tiến nói.

Cùng với đó, các địa phương chưa thực sự chống dịch hiệu quả. Cá biệt có trường hợp chính quyền phó mặc cho nhân viên thú y xã tự kiểm tra, tự lo vôi bột, tự phun thuốc sát trùng và tự tổ chức tiêu hủy.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dịch tả lợn Châu Phi đã và đang xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bệnh có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam, trong khi đó hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh, chưa có vắc xin phòng bệnh, nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao.

Để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả hơn, Phó thủ tướng đề ra các nhóm giải pháp như cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội…

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng cần tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả.

Đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Duyên Duyên (Vneconomy)

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm sữa châu Âu và Ireland tăng cường quảng bá tại Triển lãm FiV 2024

Vừa qua, Sản phẩm sữa châu Âu và Ireland đã có mặt tại Triển lãm …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *