Chìm trong ‘núi’ nợ vì tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, Maldives loay hoay tìm cách thoát khỏi bi kịch bị Trung Quốc ‘bòn rút’
Cố vấn chính của tân tổng thống cho biết các khoản nợ chưa được báo cáo có thể đẩy tổng số nợ lên 3 tỷ USD – đây là con số quá lớn đối với một đảo quốc chỉ có 400 nghìn dân.
Thể hiện cho khoản nợ khổng lồ mà Maldives đang gánh đỡ chính là cây cầu hữu nghị Maldives – Trung Quốc cùng một cổng vòm màu xanh cao vút, 4 làn xe ở Ấn Độ Dương nối liền thủ đô của quốc gia này với sân bay quốc tế và hòn đảo nhân tạo Hulhumale. Chính thức khai trương vào năm ngoái, đây là dự án hàng đầu trong các khoản đầu tư đang ngày một tăng của Trung Quốc vào Maldives dưới thời cựu tổng thống Abdulla Yameen.
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc nói về các dự án tại Maldives là ví dụ cho thấy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của họ có thể thúc đẩy sự phát triển của những quốc gia nhỏ hơn như thế nào, thì chính phủ mới của đất nước này lại nhận thấy một viễn cảnh tăm tối hơn thế. Họ tuyên bố rằng, chính quyền của ông Yameen đã ‘trói buộc’ cả quốc gia vào ‘núi’ nợ khổng lồ – chủ yếu là từ Trung Quốc – bằng các hợp đồng đầu tư liên quan đến lợi ích cá nhân của các quan chức tham nhũng.
Đảo quốc nhỏ bé cùng “núi” nợ không thể tưởng tượng
Trong 3 tháng qua, Maldives đã phải rất chật vật để công khai toàn bộ quy mô của khoản nợ với Trung Quốc, hầu hết là các khoản bảo lãnh của chính phủ đối với các khoản vay mà Trung Quốc cung cấp cho các công ty. Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy, con số này đã lên tới 935 triệu USD, 600 triệu trong số đó là chính phủ nợ trực tiếp từ Bắc Kinh.
Mohamed Nasheed, cố vấn chính của Tân Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih và là cựu tổng thống, cho rằng các khoản nợ được bảo lãnh mà chưa được báo cáo có thể đẩy tổng số nợ lên tới 3 tỷ USD, ông trả lời tờ FT. Đây là một số tiền lớn đến mức không thể tưởng tượng được đối với một đất nước chỉ có 400 nghìn người, mà GDP năm 2017 đạt 4,9 tỷ USD.
Ibrahim Ameer, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết chính phủ mới sẽ yêu cầu Trung Quốc cắt giảm số tiền còn nợ, cũng như chỉnh sửa mức lãi suất và thời gian đáo hạn cho họ. Họ đưa ra lập luận rất thẳng thắn, đó là các chi phí dự án đã công bố và các khoản vay để ‘rót’ vốn đã bị ‘thổi phồng’ ở mức đáng kể, phần lớn số tiền chênh lệch đều được chính quyền ông Yameen ‘bỏ túi’.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc bùng nổ tại đảo quốc Maldives bắt đầu từ năm 2014, khi ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm đầu tiên với tư cách nguyên thủ quốc gia đến đây. Kể từ đó, Bắc Kinh ngày càng chú ý tới Maldives bởi vị trí chiến lược của đảo quốc này, dù dân số là rất ít.
1 năm trước khi thực hiện chuyến thăm này, ông Tập đã công bố về trọng tâm mới cho chính sách đối ngoại của mình, đó là BRI. Chiến lược rõ ràng đã tạo ra ‘cú hích’ mới đối với các công ty nhà nước của Trung Quốc trong việc tài trợ và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên khắp châu Á và ngoài khu vực này.
Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu tổng thống Yameen.
Các kế hoạch đầy tham vọng của ông Yameen đối với Greater Male khiến địa điểm này trở thành mục tiêu ‘béo bở’ cho các dự án BRI. Chính phủ của ông này cho biết rằng họ không thể cung cấp các dịch vụ công cộng một cách đầy đủ cho tất cả 200 hòn đảo đều có người sinh sống, và rằng việc tập trung dân cư tại Male và đảo nhân tạo Hulhumale là hợp lý hơn.
Theo đó, các khoản cấp vốn từ Trung Quốc là trọng tâm của dự án này. Số liệu của Bộ Tài chính Maldives cho thấy hơn 1 tỷ USD các khoản vay đã được thoả thuận trong vòng 4 năm, sau chuyến công du của ông Tập, tất cả đều được chính phủ Maldives trực tiếp vay hoặc bảo lãnh.
Các công ty nhà nước Trung Quốc đã cho vay 547,9 triệu USD để xây dựng 11 nghìn căn hộ cho các toà nhà được thi công trong giai đoạn thứ 2 của Hulhumale. Sau đó, họ tiếp tục cho vay 180,9 triệu USD để phát triển mạng lưới điện đến hòn đảo mới và 421 triệu USD nhằm mục đích mở rộng sân bay phục vụ di chuyển cho Male và Hulhumale. Dự án nổi tiếng nhất chính là Cây cầu Hữu nghị 210 triệu USD, trong đó 126 triệu USD đến từ chính phủ Trung Quốc và khoản vay 68 triệu USD từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau khi các loại phương tiện chính thức lăn bánh trên cây cầu này vào tháng 9 năm ngoái, thì ông Yameen mất đi vị trí tổng thổng với kết quả bầu cử gây shock, sau đó là sự giám sát chặt chẽ của chính quyền mới đối với các khoản vay từ Trung Quốc.
BRI vấp phải sự phản đối từ nhiều nước
Tranh cãi xung quanh các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Maldives là một trong những điều gây lo ngại cho sáng kiến này của Bắc Kinh. Gần đây, các chính phủ mới của nhiều quốc gia đã tìm cách huỷ bỏ hoặc sửa đổi những thoả thuận với Trung Quốc.
Tháng trước, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phát biểu trước truyền thông rằng nước này sẽ trở nên “nghèo đói” nếu họ tiếp tục tiến hành dự án xây dựng đường sắt với Trung Quốc trị giá 20 tỷ USD do người tiền nhiệm của ông ký kết. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào tuần trước, ông Mohamad đã cảnh báo về nguy cơ của “một chủ nghĩa thực dân mới”. Theo đó, Pakistan, Sri Lanka và Myanmar cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Trung Quốc đã có phản hồi về những ý kiến cho rằng BRI đang đẩy các quốc gia vào “cái bẫy nợ”, họ cho biết chương trình này cho phép các quốc gia đang phát triển hưởng lợi từ các khoản tài trợ và kỹ năng về chuyên môn của mình. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Le Yucheng nói: “BRI đã được hưởng ứng nồng nhiệt, vượt xa sự mong đợi của chúng tôi”, ông gọi đó là “nỗ lực để xây dựng trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn.”
Cây cầu vòm xanh thể hiện tình hữu nghị giữa Maldives và Trung Quốc.
Cuối tháng 1/2016, Wang Fukang, sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Maldives, đã đích thân di chuyển tới hòn đảo cách thủ đô 36km về phía nam để chứng kiến việc ký kết thoả thuận xây dựng khu nghỉ dưỡng lớn nhất Maldives từ trước tới nay. Tại đó, một đại diện của Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) đã ký hợp đồng với Ahmed Siyam Mohamed – lãnh đạo một trong các đảng thuộc liên minh cầm quyền của ông Yameen, và là một “ông trùm” ngành du lịch của đảo quốc này.
Một thông báo được cập nhật trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết các công ty đã đồng ý xây dựng khu resort lớn nhất Maldives, với 509 phòng và lần đầu tiên được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên thông báo này không đề cập đến các điều khoản của thoả thuận, tất cả đều là “bí mật” cho đến khi chính phủ mới “phanh phui”. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, công ty của ông Siyam “rót” vốn cho dự án này bằng khoản đi vay từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, các khoản vay được chính phủ Maldives bảo lãnh là 127,5 triệu USD.
Chính phủ mới nỗ lực thoát khỏi thảm cảnh bị Trung Quốc “hút cạn”
Mối lo ngại lớn nhất của chính phủ mới liên quan đến khoản vay được bảo lãnh 646 triệu USD từ Trung Quốc cho Tập đoàn Housing Development Corporation, một công ty nhà nước của Maldives chịu trách nhiệm phát triển Hulhumale. Trong đó, 85% được dùng để sử dụng cho dự án xây dựng 11 nghìn căn hộ trên đảo này vào giai đoạn 2. Hiện tại, những dự án dân cư này, bao gồm việc xây dựng 16 toà nhà 25 tầng của China State Construction Engineering, vẫn đang được thực hiện.
Những ý kiến phản đối từ phía Maldives là sự “tiếp sức” cho nhiều quan điểm trước đó đã cảnh báo BRI chỉ là “cái bẫy nợ”. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc thành lập một công ty phát triển tài chính quốc tế vào tháng 10 vừa rồi. Cơ quan này sẽ cạnh tranh với BRI bằng cách mở rộng các khoản cho vay ở châu Á và châu Phi, dù mức giới hạn 60 tỷ USD vẫn nhỏ hơn nhiều so với các khoản vay được gia hạn theo BRI.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã “đưa ra các khoản vay ưu đãi cho một số dự án phát triển phù hợp với mong muốn của Maldives”, và cả hai quốc gia “đều đã cân nhắc về những yếu tố như khung nợ bền vững.”
Khoản nợ với Trung Quốc là số tiền quá sức tưởng tượng với một đảo quốc nhỏ bé như Maldives.
Hồi tháng 2, cảnh sát Maldives cho biết rằng họ đã yêu cầu công tố viên buộc tội ông Yameen, do cung cấp thông tin sai lệch trong một cuộc điều tra về những khoản tài trợ bất thường xung quanh việc cho thuê đảo để xây dựng khu resort. Các tài khoản ngân hàng của ông Yameen cũng bị cảnh sát đóng băng hồi tháng 12, với tổng số tiền là 6,5 triệu USD.
Ông Yameen không đưa ra phản hồi về sự việc. Tuy nhiên, một phát ngôn viên đã đưa ra tuyên bố, phủ nhận mọi hành vi sai trái và các cộng sự chính trị cũng bảo vệ ông trước những cáo buộc tham nhũng.
Chính quyền của thủ tướng Ấn Độ, Narenda Modi, đã nắm bắt cơ hội để tái xây dựng mối quan hệ khăng khít với Maldives. Hồi tháng 12, ông Solih đã có một chuyến thăm Ấn Độ và chấp nhận khoản hỗ trợ tài chính là 1,4 tỷ USD.
Mối quan hệ với một nước láng giềng lớn của họ, hiện cũng đang “tranh giành” tầm ảnh hưởng với Trung Quốc, sẽ mang đến cho chính phủ mới của Male động lực khi họ thuyết phục Bắc Kinh điều chỉnh mức nợ. Dù các quan chức cho biết rằng họ vẫn sẽ coi Trung Quốc là một đối tác quan trọng, nhưng cũng khẳng định rằng những thương vụ trong tương lai sẽ được cân nhắc cẩn trọng hơn so với những năm gần đây.
Ông Narsheed cho biết: “Chúng tôi nghĩ thật sai lầm khi Trung Quốc đẩy chúng tôi đến tình thế gặp khó khăn khi giải quyết số tiền mà họ đã tài trợ. Chúng tôi không muốn bị Trung Quốc ‘bòn rút’.”
Theo Trí thức trẻ/FT