Trung Quốc có cứu nổi khủng hoảng nguồn cung quặng sắt toàn cầu?

Việc Trung Quốc ngày càng siết chặt chính sách bảo vệ môi trường đồng nghĩa rằng các mỏ quặng sắt trong nước sẽ không thể tăng mạnh sản lượng để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào sau thảm họa vỡ đập tại Brazil.
Thị trường quặng sắt toàn cầu rơi vào cú sốc nguồn cung từ sau sự cố vỡ đập chứa chất thải của Tập đoàn khai khoáng Vale tại Brazil. Kết quả, giới chuyên gia phân tích đồng loạt nâng dự báo giá quặng sắt, với Goldman Sachs cho rằng giá cao có thể kích thích các công ty khai khoáng Trung Quốc tăng mạnh công suất sản xuất.

“Tôi thấy nghi ngờ về điều này. Nếu các mỏ của Trung Quốc có thể sản xuất nhiều hơn thì giờ họ đã làm rồi. Bởi giá quặng sắt đang ở mức khá tốt so với những năm gần đây. Các mỏ đóng cửa không phải vì giá mà vì chiến dịch bảo vệ môi trường của chính phủ và những lý do khác”, Giám đốc điều hành Pan Guocheng của Hanking Group, công ty thép hàng đầu Trung Quốc, trả lời phỏng vấn của Bloomberg.
Ngành công nghiệp khai thác quặng sắt Trung Quốc phải chịu 3 áp lực lớn đến từ thị trường nội địa. Nguồn: Bloomberg.

Là một trong những ngành quan trọng của Trung Quốc nhưng công nghiệp khai thác quặng dần suy yếu trong vài năm gần đây do chất lượng cũng như chi phí sản xuất trong nước cao hơn so với hàng nhập khẩu, đồng thời các nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định hà khắc về môi trường. Kết quả, hàng trong nước bị lấn át bởi hàng hóa nhập khẩu và Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ tấn quặng mỗi năm.

Sau sự cố vỡ đập tại Brazil, giá quặng sắt giao ngay vọt lên cao nhất kể từ năm 2017, đồng thời Citigroup và Ngân hàng Thịnh Vượng Australia đồng loạt dự đoán giá sẽ sớm lên 100 USD/tấn. Ngược lại, chuyên gia phân tích Helen Lau tại Công ty Chứng khoán Argonaut cho rằng các nhà khai thác quặng Trung Quốc dường như thận trọng với việc tái sản xuất do thiếu nguồn vốn mới.


Giá quặng sắt tăng vọt từ sau sự cố vỡ đập tại Brazil. Nguồn: Bloomberg.

“Có thể một số mỏ quặng có lợi nhuận sẽ tái hoạt động, nhưng như vậy vẫn không đủ để thay đổi xu hướng chung. Sản lượng quặng sắt trong nước sẽ giảm đáng kể và tình trạng này sẽ kéo dài trong nhiều năm tới”, ông Pan nói.

Sau sự cố vỡ đập, nguồn cung quặng sắt bị gián đoạn vì Vale buộc phải đóng cửa một số cơ sở khai thác. Tuy nhiên, ông Pan cho rằng thị trường đã phản ứng quá mức với tình trạng này bởi sự thiếu hụt từ Brazil có thể được bù đắp bởi nguồn cung từ các nước khác. Theo đó, ông dự đoán quặng sắt khó có thể duy trì được đà tăng.

Hơn nữa, nguồn cung vật liệu này tại Trung Quốc đang dư thừa, đặc biệt là ở các cảng, do nhu cầu tiêu thụ thép giảm trong mùa đông, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho biết.

Theo ông Pan, ngành công nghiệp khai thác quặng sắt Trung Quốc phải chịu 3 áp lực lớn đến từ thị trường nội địa. Dự trữ quặng tại một số khu vực như phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh đang dần cạn kiệt và nhiều mỏ có trữ lượng nhỏ ở tỉnh Hà Bắc phải đóng cửa vì các quy định môi trường. Bên cạnh đó, các mỏ quặng chất lượng thấp cũng bị chính phủ yêu cầu đóng cửa để ngăn chặn thiệt hại về cảnh quan và môi trường.

“Trung Quốc sẽ ngày càng siết quy định về môi trường, chứ không có ý định nới lỏng”, ông Pan nói. Vị tổng giám đốc này cho hay Hanking đã phải đóng cửa hai trong ba mỏ quặng cũng vì chiến dịch chống ô nhiễm môi trường của chính phủ.

Theo Phan Vũ (Người đồng hành)

Có thể bạn quan tâm

Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng chậm lại, dấy lên …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *