Năm 2018 xảy ra 6 vụ cướp ngân hàng

Sau hàng loạt vụ cướp ngân hàng thời gian qua, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng chú ý hệ thống camera giám sát cần bố trí công khai và bí mật có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch.

Trong thời gian vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng gây không ít hoang mang cho người dân. Trả lời thắc mắc của người dân về việc này, Bộ công an cho biết đã có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

“Theo thống kê của Bộ công an, năm 2018, toàn quốc phát hiện 6 vụ cướp ngân hàng”

Trong đó, một số vụ điển hình là hồi đầu năm có vụ cướp tại Agribank ngày 26/01/2018, phòng giao dịch Dĩnh Kế chi nhánh Bắc Giang, đối tượng sử dụng súng tự chế, khống chế đe dọa nhân viên ngân hàng và cướp đi số tiền là 1,1 tỷ đồng. Hay ngày 05/9/2018, tại phòng giao dịch Ninh Hòa thuộc Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa, hai đối tượng đi xe máy, bịt mặt và sử dụng súng tự chế, khống chế bảo vệ ngân hàng, đe dọa, uy hiếp các nhân viên, khách hàng tại phòng giao dịch và cướp 4,5 tỷ đồng.

Ngày 13/9/2018, tại chi nhánh VietinBank Tân Hiệp, huyện Châu Giang – Tiền Giang, đối tượng đi xe máy, trùm kín mặt đi vào phòng giao dịch sử dụng súng, khống chế, yêu cầu nhân viên phải bỏ tiền vào túi sau đó lên xe máy tẩu thoát, số tiền bị cướp là 945 triệu đồng.

“Và gần đây nhất là vụ cướp tiền tại Ngân hàng Việt Á xảy ra vào ngày 07/12/2018 tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh…”

Bộ công an cho biết, quá trình điều tra các vụ án trên cho thấy trước khi thực hiện các vụ cướp, các đối tượng thường nghiên cứu, tìm hiểu về quy luật và những sơ hở trong công tác bảo vệ, giao dịch của các trụ sở mục tiêu.

Khi tội phạm thực hiện thường chỉ có từ 1 đến 2 đối tượng, di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, lợi dụng thời điểm phòng giao dịch vắng khách, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, thiếu tập trung đã bất ngờ sử dụng vũ khí đe dọa, uy hiếp bảo vệ, các nhân viên ngân hàng rồi cướp số tiền lớn, sau đó nhanh chóng tẩu thoát.

Khi gây án đối tượng thường đội mũ, đeo khẩu trang, bịt mặt, đi găng tay, thực hiện hành vi phạm tội rồi tẩu thoát khỏi hiện trường rất nhanh, các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng này thường không lắp đặt hệ thống báo động, hoặc có nhưng không kết nối với cơ quan chức năng hoặc hệ thống báo động không có tác dụng, nhân viên không tiếp cận được khi đối tượng đe dọa, khống chế, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng.

Trước những vụ cướp liên tục xảy ra như vậy, Bộ Công an đã có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng cần có hệ thống camera giám sát cần cả bố trí công khai và bí mật có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch. Video thu được phải chất lượng tốt, có màu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng. Ngoài ra, các phòng giao dịch cũng nên lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan Công an sở tại gần nhất và được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt.

Đối với người dân, Bộ Công an cũng khuyến cáo trước và sau khi thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến gửi và rút tiền mặt tại các phòng giao dịch của ngân hàng cần nâng cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa các đối tượng cướp ngân hàng, chú ý quá trình bảo vệ tài sản và tiền khi lưu thông từ nơi cất giữ đến ngân hàng và ngược lại, nhất là vào những khung thời gian, đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại và ngay tại thời điểm vừa cầm tiền ra khỏi ngân hàng.

Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn, các vụ án liên quan đến tội phạm cướp ngân hàng trên các phương tiện thông tin, báo chí để hạn chế những sơ suất để tội phạm khai thác và có giải pháp tự bảo vệ bản thân khi gặp các đối tượng cướp ngân hàng.

Diệp Trần (Theo Trí thức trẻ)

Có thể bạn quan tâm

30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa trong nửa đầu năm, chỉ còn chưa đầy 2% người Việt chịu bỏ hơn 100.000 đồng cho một ly cà phê

Theo báo cáo ngành F&B 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS, mức chi cho …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *