Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhựa chủ yếu từ Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Singapore.
Trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2018, thì nguyên liệu nhựa là nhóm tăng trưởng mạnh nhất 141,4% về lượng và 104,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017, đạt 517.750 tấn, tương đương 511,4 triệu USD.
Nhưng ngược lại, nhập khẩu nguyên liệu nhựa vào Việt Nam 7 tháng đầu năm nay lên tới 3,09 triệu tấn, tương đương trên 5,04 tỷ USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 22% về kim ngạch.
Việt Nam nhập siêu lên tới 4,53 tỷ USD nguyên liệu nhựa trong 7 tháng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.Giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu năm nay tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 1.631,5 USD/tấn.
Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhựa chủ yếu từ Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Singapore. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Hàn Quốc chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 535.300 tấn, tương đương 925,22 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 13,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 11,4%, đạt 1.728 USD/tấn.
Nguyên liệu nhựa xuất xứ từ Ả Rập xê Út mặc dù lượng nhập vào Việt Nam giảm nhẹ 2,1%, đạt 577.991 tấn, nhưng do giá nhập khẩu tăng mạnh 22%, lên mức 1.280,5 USD/tấn, nên kim ngạch tăng 19,5%, đạt 740,11 triệu USD.
Nhập khẩu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng cả lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 11,2%, 19% và 7%, đạt 426.229 tấn, tương đương 706,83 triệu USD, giá trung bình 1.658,3 USD/tấn.
Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng 2,2% về lượng, tăng 20,9% kim ngạch và tăng 18,3% về giá, đạt 316.736 tấn, tương đương 619,17 triệu USD, giá trung bình 1.954,9 USD/tấn
Nguyên liệu nhựa xuất xứ từ các nước Đông Nam Á nói chung chiếm 22% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 674.579 tấn, tương đương 1,02 tỷ USD. Trong số đó, có trên 55% lượng nguyên liệu nhựa xuất xứ từ Thái Lan, với 372.296 tấn, tăng mạnh 44,3% so với cùng kỳ; có trên 19% nhập từ Singapore, với 129.060 tấn, tăng 14,4%; có 15,4% nhập từ Malaysia, với 103.616 tấn, tăng 9,5%; có 8,6% nhập từ Indonesia, với 58.110 tấn, tăng 28,8% và một lượng nhỏ nhập từ Philippines 11.497 tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ.
Trong số các thị trường nhập khẩu nguyên liệu nhựa 7 tháng đầu năm, thì nhập khẩu từ Đức luôn luôn có mức giá đắt đỏ nhất 6.120,5 USD/tấn, gấp 4 lần so với mức giá nhập trung bình của cả nước, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu không lớn, chỉ 15.972 tấn, tăng 48,2%.
Ngoài ra, một số thị trường cũng có giá nhập khẩu cao như: Nhập từ Thụy Điển 4.097,8 USD/tấn, tăng 18,8%; từ Pháp 4.085 USD/tấn, tăng 59,4%; từ Anh 3.472 USD/tấn, tăng 1,3%; từ Italia 3.286 USD/tấn, tăng 29,4%.
Ngược lại, các thị trường có giá nhập rẻ gồm: Nhập từ Cô Oét 1.251 USD/tấn, tăng 12%; từ Qatar 1.253 USD/tấn, tăng 2,4%; từ Nam Phi 1.260 USD/tấn, tăng 9%; từ Indonesia 1.266 USD/tấn, tăng 1,4%; từ Nga 1.269 USD/tấn, tăng 11,9%
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu nguyên liệu nhựa 7 tháng đầu năm chủ yếu sang Trung Quốc chiếm 55,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 284,78 triệu USD, tăng mạnh 298,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á nói chung chiếm 18,9%, đạt 96,45 triệu USD, giảm 5,9%. Bên cạnh đó, còn xuất khẩu sang Ấn Độ 4,8%, đạt 24,79 triệu USD, tăng 37,6%. Xuất khẩu sang Nhật Bản 4,2%, đạt 21,26 triệu USD, tăng 259,6%.
40 năm tái chế phế liệu đã cho “ra lò” các tập đoàn Trung Quốc tỷ đô chiếm 50% xuất khẩu nhựa thế giới, Việt Nam đang nối gót!
Thùy Linh (Theo Trí thức trẻ/ Cafe F)