Việt Nam – ‘miếng bánh ngon’ cho các hãng bán lẻ nước ngoài

Các nhà bán lẻ lớn trên khắp châu Á đang đua nhau vào Việt Nam khi chính phủ nới lỏng hạn chế với công ty nước ngoài. Làn sóng cửa hàng tiện lợi và siêu thị hiện đại đang dần thay thế những chợ cóc và tiệm tạp hóa nhỏ lẻ quen thuộc trên cả nước.

Một trong những cái tên mới nổi là cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc, có mặt tại TP HCM vào tháng 1. Hãng dự kiến có 50 cửa hàng ở Việt Nam vào cuối năm và đạt 2.500 địa điểm trong vòng một thập kỷ. Tại thị trường nội địa, GS25 có 12.000 cửa hàng.


Ở ngoại ô TP HCM, nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc – E-Mart – có siêu thị rộng 3 ha với nhiều loại thực phẩm, quần áo và đồ gia dụng, thu hút người mua hàng từ các khu chợ cóc của thành phố. Sau thành công của vị trí đầu tiên, E-Mart sẽ mở thêm 10 địa điểm trên cả nước.

Trong khi đó, tập đoàn Hàn Quốc Lotte có kế hoạch tăng số siêu thị tại Việt Nam từ 13 lên 87. Một lãnh đạo của hãng gọi Việt Nam là “thị trường quan trọng nhất châu Á”. Tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt mức kỷ lục 129,6 tỷ USD trong năm 2017
Trong năm 2016, Việt Nam cho phép công ty nước ngoài mở cửa hàng dưới 500 m2, và các chuỗi cửa hàng tiện lợi nhanh chóng phát triển. Theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký tháng 3, các công ty này sẽ được mở rộng mà không phải chịu thêm ràng buộc nào.

Hãng Seven & i của Nhật Bản có kế hoạch mở 1.000 cửa hàng 7-Eleven tại Việt Nam vào năm 2027 và chuỗi B’s Mart của Thái Lan đang nhắm tới con số 3.000. Một cư dân của TP HCM cho biết cô hầu như không đi chợ nữa. “Cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều – rất tiện”.

Tuy nhiên, các hình thức bán lẻ hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi vẫn chỉ chiếm 5,4% thị trường thực phẩm năm nay, thấp nhất ở Đông Nam Á. Trong khi đó, nhiều người Việt sẵn sàng trả giá cao hơn cho thực phẩm chất lượng, trong bối cảnh thu nhập và mức sống được cải thiện.

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm, và GDP bình quân đầu người đạt 2.385 USD vào năm 2017. Tại TP HCM, con số này là hơn 5.000 USD. Đây là cơ hội lớn cho các chuỗi nước ngoài, vì Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1.000 siêu thị và 2.000 cửa hàng tiện lợi – lần lượt bằng 1/20 và 1/30 số lượng ở Nhật Bản.
Những “ông lớn” trong nước cũng không đứng ngoài cuộc. VinMart +, thương hiệu cửa hàng tiện lợi của Vingroup, dự kiến tăng gấp 4 lần mạng lưới lên 4.000 cửa hàng vào năm 2020. Thế giới di động (TGDĐ) mở 375 siêu thị Bách Hóa Xanh trong 3 năm và đặt mục tiêu 500 địa điểm vào cuối năm nay.

Việt Nam đang cần hàng nghìn cửa hàng bán lẻ hiện đại, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch kiêm CEO TGDĐ, phát biểu. “Nếu chúng tôi xây dựng cửa hàng, chúng tôi chắc chắn sẽ nắm một mức thị phần nhất định”, ông khẳng định.
Theo Trang Hồ (Người đồng hành)

Có thể bạn quan tâm

Cà phê có thành thức uống xa xỉ?

Giá cà phê tăng cao trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp lo ngại về …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *