Tổ chức nhỏ lẻ, thiếu liên kết cản trở nông sản Việt

Ngoài ra, nông sản Việt Nam phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, truy xuất nguồn gốc nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Sáng nay 5-6 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần đầu tiên về chuyên đề nông nghiệp “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Báo VnExpress tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định việc lựa chọn chuyên đề Nông nghiệp để mở màn cho chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là lựa chọn đúng và chính xác trong tình hình hiện nay.

“Có thể nói, thời gian qua với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, chúng ta đã có từ 3.300 đến 3.700 doanh nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã lớn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,4 tỷ USD… Thặng dư ngành nông nghiệp dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng cho biết, trong ngành nông nghiệp, nếu chỉ sản xuất ra nhưng không chế biến thì cũng không thể tiêu thụ tốt, đặc biệt là với những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước.

“Điểm yếu tiếp theo của nông nghiệp Việt Nam là về tính liên kết sản phẩm của các làng xã, và địa phương. Chúng ta cần nhiều thời gian để xử lý vấn đề này”, ông nói.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra là vấn để xử lý nguồn gốc đất. Thực tế, để giải quyết những bất cập trên, Việt Nam phải lấy thị trường làm mục tiêu, tiêu chuẩn thị trường làm thước đo đáp ứng yêu cầu trong và ngoài nước.

Bộ trưởng cho hay, qua buổi thảo luận hôm nay, Hội đồng tư vấn và các bộ sẽ tổng hợp các ý kiến và đề xuất để trình Thủ tướng cho buổi hội nghị tới đây.

Cũng tại diễn đàn, TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp hôm nay đang bàn đến vấn đề khó nhất của ngành nông nghiệp.

Nhắc lại đề nghị của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi nói hội nhập mọi người thường để ý đến quốc tế mà hay quên thị trường trong nước, ông Sơn cho rằng, kết cấu nền nông nghiệp thay đổi rõ rệt, chăn nuôi và ngành thủy sản tăng lên, trồng trọt kết cấu thay đổi và toàn ngành cũng thay đổi. Đa dạng hóa sẽ đem lại thu nhập cho người nông dân.

TS.Đặng Kim Sơn nhận định, để mở rộng thêm thị trường, Việt Nam phải đẩy mạnh hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại. Các số liệu về cán cân thương mại cho biết, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu, năm 2018 dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dương về xuất khẩu.

“Điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản”, ông nhấn mạnh.

Theo báo cáo về lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia CPTPP của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Vì vậy, đây là một thách thức cho nông sản Việt Nam.

Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, có quá nhiều cơ quan quản lý chung, có quá nhiều quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Năng lực để chứng minh về chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy chúng ta cần phải xây dựng các thủ tục minh bạch hơn.

Ngoài ra, ông còn chỉ ra nhiều rào cản khác là hàm lượng khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp. Một nguy cơ cũng mới xuất hiện trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, theo đó, ông đưa ra biểu đồ để cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tụt hậu lớn nhất.

Ngọc Anh (Theo Nhịp sống kinh tế)

Có thể bạn quan tâm

Cà phê có thành thức uống xa xỉ?

Giá cà phê tăng cao trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp lo ngại về …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *