Sau 1 tuần mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm, chiều 21/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo Phạm Thanh Hải (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế – IDT) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội bởi tính chất cũng như mức độ nghiêm trọng đối với hành vi phạm tội của bị cáo Hải.
Hội đồng xét xử kết luận hành vi của bị cáo Phạm Thanh Hải là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản của nhiều người, với số tiền rất lớn, gây mất trật tự trị an và gây hoang mang lo lắng cho nhân dân.
Bị cáo Hải phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng, mặc dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo nhưng lại không tỏ ra ăn năn hối cải… do vậy cần thiết phải xử lý thật nghiêm khắc với mức án không xác định thời hạn thì mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa tội phạm chung.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Hải phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền còn lại cho người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, tòa cũng đề nghị thu hồi các tài sản của bị cáo Hải ở các ngân hàng dưới dạng tiền gửi; tiền cho các tổ chức, cá nhân vay; tiền góp vốn ở các công ty dưới dạng tiền góp hoặc cổ phiếu, trái phiếu…
Bản án sơ thẩm nhận định, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, bị cáo Phạm Thanh Hải bắt đầu huy động vốn từ năm 2008 và đưa ra nhiều thông tin gian dối như: Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, trong đó có dự án công ty mắc ca làm giàu từ cây “tỷ đô.”
Để các nhà đầu tư tin tưởng góp vốn đầu tư vào các dự án này, Hải đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội “hoclamgiau.vn”; tự giới thiệu bản thân là tiến sỹ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô (cũ), là người có tài đầu tư, kinh doanh, có nhiều kinh nghiệm tài chính…
Ngoài ra, Hải còn đưa ra mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm), cắt lãi ngay khi nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh); khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Mặc dù việc huy động tiền cho cá nhân nhưng Hải sử dụng chức danh là Tổng Giám đốc, sử dụng con dấu công ty trong các hợp đồng, huy động các nhân viên giúp Hải soạn thảo, thỏa thuận để ký kết hợp đồng, thu tiền của các nhà đầu tư tại trụ sở công ty. Sau khi có tiền, Hải sử dụng vào mục đích cá nhân, chủ yếu dùng để trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, một phần cho các đối tác vay, chi trả cho việc kết nối, chi thưởng hoa hồng…
Hải chi sử dụng một phần tiền sau khi huy động được (157 tỷ đồng/2.725 tỷ đồng) với danh nghĩa cá nhân góp vốn vào các công ty khác, nhưng đến nay chưa phát sinh lợi nhuận gì. Hải tự ý cho vay không lãi suất (144 tỷ đồng/2.725 tỷ đồng) đến nay khó có khả năng thu hồi nợ…
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ tài liệu, niêm phong máy tính và xác định được tên, địa chỉ cụ thể số người bị hại do hành vi lừa đảo của Phạm Thanh Hải gây ra là 2.574 người với tổng số tiền hơn 2.725 tỷ đồng, thông qua hơn 7.000 hợp đồng góp vốn chưa tất toán từ tháng 10/2014 đến ngày 19/10/2015.
Hiện Phạm Thanh Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư. Cơ quan điều tra đã thông báo đến toàn bộ 2.574 người bị hại nhưng chỉ có 508 người đến trình báo với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỷ đồng. Những người còn lại không hợp tác hoặc bị những người không hợp tác lôi kéo nên chưa đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình./.
Theo Nguyễn Cúc (Vietnam +)