Việc Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cấp chứng nhận thương hiệu Việt Nam cho sản phẩm thuốc chống ung thư giả Vinaca liệu có vi phạm pháp luật?
Trước khi bị phát hiện sản xuất thuốc chữa ung thư từ than tre, nứa, Vinaca đã được vinh danh trong chương trình Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Thông tin này đang khiến cho dư luận xôn xao và bức xúc khi nhiều người tiêu dùng cho rằng mình đang bị “lừa dối” và phải chăng việc vinh danh này đang “tiếp tay” cho các đơn vị làm ăn sai trái “móc túi” người tiêu dùng.
Theo công bố tại chương trình, Công ty TNHH Vinaca (số 17, ngõ 40 phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã được trao chứng nhận trong chương trình tôn vinh thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu 2017.
Những thông tin được quảng cáo trên trang web vinaca.vn cho thấy, giấy chứng nhận được cấp bởi Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) và Tạp chí Hàng hoá và Thương hiệu.
Liên quan đến vụ việc này, LS Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam là đơn vị có trách nhiệm chống hàng giả nhưng lại công nhận cho những thương hiệu, sản phẩm như vậy thì rõ ràng quy trình xem xét danh hiệu cũng như trao giải của bên Hiệp hội đang có vấn đề. Hiện nay, dư luận đặt câu hỏi liệu có hay không việc mua bán giải và cho rằng hiệp hội chỉ quan tâm đến tiền chứ không quan tâm thực sự đến việc sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp như thế nào.
Chứng nhận thương hiệu Việt Nam đã trở thành “bảo chứng” cho sản phẩm, khiến người tiêu dùng tin tưởng dù bản thân họ không hề biết được các hiệp hội ấy có đủ tư cách pháp lý và uy tín để trao những giải thưởng đó hay không.
Tính pháp lý của giấy chứng nhận này cần được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm chứng, xem giải có được ban hành và cấp ra theo đúng quy định của pháp luật hay không. Nếu phát hiện tính pháp lý của những giải thưởng này có vấn đề thì cơ quan chức năng cần tiến hành thu hồi lại toàn bộ giấy này.
“Nếu người tiêu dùng vì tin vào giải thưởng này để mua sản phẩm mà xảy ra thiệt hại thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể đề nghị hiệp hội chịu trách nhiệm liên đới và bồi thường trong trường hợp bồi thường ngoài hợp đồng” – LS Truyền nói thêm.
Tuy nhiên LS cũng thừa nhận việc xử lý các đơn vị trao giải này là không hề dễ dàng bởi chúng ta chưa có một chế tài nào rõ ràng cho việc này. Việc xử lý các đơn vị tổ chức trao giải sẽ chỉ dừng lại ở mặt quản lý, “cùng lắm là trách nhiệm cá nhân như khai trừ những người ký quyết định ra khỏi ban chấp hành của Hiệp hội”. Chính sự lỏng lẻo và nhẹ tay trong xử lý đã dẫn đến tình trạng “loạn giải” diễn ra trong thời gian vừa qua.
Thiên Bình (Theo Laodong.com.vn)