“Trong nhiều năm qua việc trẻ em bị áp lực học tập là một vấn đề thực tế. Áp lực học tập đã làm cho đứa trẻ bị sống lệch và không còn là chính mình…”, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM – nhận định.
Mong mỏi con mình lớn lên một cách toàn diện là hết sức chính đáng nhưng không phải mong mỏi nào cũng là đúng đắn
Bên cạnh một số ít học sinh tự gây sức ép cho mình thì có nhiều phụ huynh không đánh giá đúng khả năng và sức chịu đựng được áp lực của con mình nên đã chọn cho mình hướng đi không thật phù hợp. Đó là chưa kể một vài phụ huynh đã đẩy con mình đến sự lựa chọn không thể khác hơn bằng kiểu đặt ra mục tiêu, bày tỏ sự kỳ vọng, thể hiện ước mơ duy nhất mang tính áp đặt. Đứa trẻ cứ chạy mãi trên hành trình không trụ cột, không đích đến, không người đồng cảm…
Điều này đẩy con đến chỗ luôn cố gắng, cố gắng và cố gắng nên trẻ con như diều đứt dây khi gió quá to… Nhiều khi là đẩy con đến con đường không còn lối thoát khác.
Nếu đặt vào hoàn cảnh của trẻ, ta mới có thể hiểu trẻ đã cố gắng đến mức nào, trẻ đã vượt khó ra sao, trẻ đã làm gì để có thể đạt những thành tích như thế… Trong khi mâu thuẫn giữa sự kỳ vọng của người lớn và khả năng của trẻ, trong lúc sự cố gắng của trẻ quá sức luôn mâu thuẫn với khát khao của trẻ làm cho người lớn hài lòng về mình làm trẻ ngã quỵ ngay trong tâm hồn mình và cả ý chí, nghị lực…
Sau sự việc đau lòng nam sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến tự tử vì áp lực, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh việc cần thay đổi nhận thức về sự giỏi giang và thành công của con em mình đó chính là một trong những thay đổi có điểm đến và có chiến lược. Sự thành công của đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm số hay không chỉ phụ thuộc vào kiến thức mà trẻ đang có.
Sự thành công phụ thuộc nhiều vào các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng sống hay trí tuệ xã hội của con người. Đừng biến con mình thành nô lệ của kiến thức mà hãy giúp con trở thành ông chủ của tri thức tìm kiếm tri thức – sử dụng tri thức theo khả năng nghiên cứu của chính mình và nội lực thực tại…
Về nhà trường, ông Sơn cũng cho rằng việc cần thiết triển khai giáo dục kỹ năng sống và các vấn đề tâm lý lứa tuổi cần mang tính bài bản, hệ thống hơn. Quan trọng cần cho trẻ cơ hội để trải nghiệm và yêu quý chính mình, có lòng tự trọng, có trách nhiệm với bản thân mình.
Đặc biệt, nhà trường cần hành động ngay với công tác tư vấn tâm lý trong trường học và biến nó thành hành động trọng điểm để giúp các em bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm. Nếu cha mẹ cho em sự sống, người xung quanh hãy tiếp tục cho em sống an toàn, an lành thì thật hạnh phúc.
HUYÊN NGUYỄN (Theo laodong.com.vn)