Dự báo GDP quý I/2018 tăng vọt: Bứt phá mạnh mẽ từ đầu năm

Thông thường, chỉ số tăng trưởng GDP quý I đều thấp hơn nhiều so với các quý còn lại trong năm. Đầu năm 2018, tại phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhắc nhở: “Tránh tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả”.

Dưới sự điều hành của Chính phủ với những đột phá, lần đầu tiên trong rất nhiều năm, chỉ số GDP có thể vượt qua con số 7%. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong quý I/2018, mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt trên 7,4%, còn các chuyên gia mạnh dạn kỳ vọng chỉ số này có thể lên tới 8%. Điều gì đã làm nên kỳ tích này?

Từ “bước đà” 2017

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 lên 6,83%. NCIF nhận định, tăng trưởng sẽ tiếp tục cải thiện ở cả ba động lực kinh tế, mạnh mẽ nhất là khu vực dịch vụ do kế thừa đà tăng trưởng của năm 2017, tiếp tục xu hướng tích cực của năm 2017, các chỉ số kinh tế quý I/2018 có bước tiến bộ vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.

Đây là điểm nổi bật so với nhiều năm trở lại đây. Theo TS Đặng Đức Anh – Trưởng ban Phân tích và Dự báo (NCIF) – cùng với sự phục hồi của lĩnh vực nông nghiệp, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) với mức tăng 2 tháng đầu năm trên 17% vẫn là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng chung của quý I.

Riêng Samsung, với việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu hơn 5 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… TS Đặng Đức Anh cũng đưa ra ý kiến một yếu tố nữa giúp GDP quý I/2018 đạt mức tăng trưởng khả quan là Formosa đã đưa vào vận hành lò cao số 1 nâng sản lượng lên 400.000 tấn thép thô. Như vậy, theo dự kiến, khi đưa vào vận hành lò cao số 2 trong giai đoạn tới, sản lượng của Formosa sẽ tăng lên 1 triệu tấn sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng chung của ngành

Mặc dù Tổng cục Thống kê chưa công báo số liệu thống kê tháng 3.2018, nhưng căn cứ số liệu 2 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Cty Chứng khoán SSI – cho rằng: Chỉ số công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 15,2% là mức tăng cao nhất nhiều năm và đặc biệt cao so với mức chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ 2017.

Cùng với ngành khai khoáng có mức tăng trưởng dương (trong khi đó liên tiếp 2 năm 2016-2017 ngành này tăng trưởng âm), ngành công nghiệp CBCT cũng tăng trưởng mạnh, đây chính là 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung. Trong đó, ngành CBCT tăng 17,7% – mức tăng trưởng cao nhất nhiều năm. Bên cạnh đó, điện tử tiếp tục là trụ cột với mức tăng trưởng 38,3%, chủ yếu nhờ Samsung Display Việt Nam đạt doanh thu 49,3 nghìn tỉ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.

Chuyên gia kinh tế – TS Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh – Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII, cũng cho rằng: GDP năm nay hoàn toàn có thể tăng được 7% so với 2017, kỳ vọng kinh tế quý I/2018 sẽ giữ vững đà tăng của quý IV/2017, không còn tình trạng cứ quý I năm sau lại tăng chậm hơn quý IV năm trước như trước đây.

Từ mức tăng trưởng này, TS Trần Du Lịch cũng hy vọng giai đoạn 2016-2020, kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2011-2015, chấm dứt xu hướng cứ 5 năm sau thì tăng trưởng lại chậm hơn 5 năm trước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Dương – Cty Cempartner nhận định của Thủ tướng khi nhìn vào động năng nối tiếp của nền kinh tế trong năm 2017 và các chuyển biến của nền kinh tế Quý I/2018 là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, nếu có những chiến lược đúng thì về dài hạn chúng ta hoàn toàn có thể phát triển ở tốc độ trên 10% trong nhiều năm, và điều đó mới tạo ra sự đột phá về vị thế của nền kinh tế so với các quốc gia khác, chứ không chỉ dừng lại ở mức trên 7% như hiện tại.
Nhưng cần bền vững

Các chuyên gia đánh giá, có nhiều yếu tố sẽ tác động tới mức tăng trưởng GDP của quý I năm nay, đó là vừa do các yếu tố rất tích cực của nền kinh tế, vừa do so sánh với mức tăng trưởng thấp của cùng kỳ. Do vậy, tăng trưởng GDP quý I năm nay có thể sẽ ở mức rất cao. Mức tăng trưởng cao này sẽ tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc trong năm nay.

Dù tăng trưởng kinh tế năm 2018 được dự báo là tích cực, nhưng cũng phải nỗ lực rất lớn để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2.2018. Theo đó, tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp; tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững…

Mặc dù đạt mức tăng trưởng khả quan, nhưng vẫn ẩn chứa một số yếu tố rủi ro. Trong đó, lạm phát hiện chịu áp lực rất lớn từ xu hướng điều chỉnh giá dịch vụ công; diễn biến giá trên thị trường quốc tế và điều chỉnh chính sách tiền tệ; những tác động từ việc tăng thuế môi trường, tăng thuế thu nhập cá nhân theo đề xuất của Bộ Tài chính; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp… đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế.

Một báo cáo từ nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế Quốc dân vừa được công bố cho thấy, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng bền vững, vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng trong khi chất lượng các nguồn lực còn thấp.

Theo PGS-TS Tô Trung Thành – Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (ĐH Kinh tế Quốc dân), với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu là sản xuất gia công, Việt Nam cần cảnh giác với nguy cơ bước vào “bẫy giá trị thấp”.

TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Cần tư duy lại về sự phát triển của DN Việt, cần xác định phát triển DN lấy nền tảng phải là khu vực tư nhân và trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng cho rằng, cần có sự quan tâm đặc biệt và những chính sách mới nhằm vực dậy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, khi dòng vốn này đang có dấu hiệu chững lại. Còn theo ông Nguyễn Dương, hiện tại, rủi ro tăng trưởng của chúng ta là chỉ dựa vào xuất khẩu lớn của một số DN FDI và sự bứt phá của du lịch ở một vài địa phương. Để tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải đến từ nhiều ngành và trên phạm vi cả nước.

Các địa phương có tăng trưởng bán lẻ cao bên cạnh Hà Nội và TPHCM còn có một số tỉnh như Lai Châu: 16,5%, Lào Cai: 15,8% và Bình Định: 14,9%. Bình Định cũng nổi lên với mức tăng trưởng du lịch lữ hành cao chỉ sau TPHCM và Hà Nội: 26,9%. “Tổng hợp các số liệu vĩ mô 2 tháng đầu năm 2018, có cơ sở để tự tin với tăng trưởng GDP quý I/2018 sẽ tương đương như nửa cuối năm 2017, thậm chí ở kịch bản tốt, có thể chạm ngưỡng 8%.

Những lý do để tăng trưởng GDP quý I khả quan các yếu tố: Thứ nhất, ngành điện tử duy trì tăng trưởng cao, sản phẩm Galaxy S9 ra mắt vào tháng 3.2018, sớm hơn so với thời điểm ra mắt Galaxy S8 vào tháng 4.2017; thứ hai, ngành khai khoáng tăng trưởng dương hoặc nếu có sụt giảm cũng chỉ giảm ở mức rất thấp; thứ ba, các ngành dịch vụ như bán lẻ, lưu trú ăn uống duy trì tăng trưởng ổn định”.

Theo Khánh Vũ – Đặng Tiến (Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *