Năm 2018 ghi nhận thành công của nông dân vùng vải Bắc Giang, Hải Dương: Lần đầu tiên vải thiều trúng mùa nhưng tiêu thụ rất tốt, không xảy ra tình trạng ế hàng, ùn ứ.
Kết quả này có được là nhờ ngay từ đầu vụ chính quyền, doanh nghiệp (DN) và nông dân trồng vải đã chủ động xúc tiến đầu ra cho sản phẩm. Ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết hơn 200.000 tấn vải thiều của tỉnh này đã tiêu thụ hết với giá trung bình 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã tích cực kết nối cho các DN, thương nhân trong tỉnh xúc tiến phân phối vải thiều vào các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại và các đối tác xuất khẩu.
Nhờ các chương trình xúc tiến thương mại, vải thiều Bắc Giang đã được phân phối ở đa số siêu thị trên cả nước
Mới đây, tỉnh Hưng Yên tổ chức xúc tiến thương mại mặt hàng nhãn lồng cùng một số nông sản khác. Tỉnh Sơn La cũng kết nối với hệ thống siêu thị Big C tổ chức tuần lễ Nhãn và nông sản sạch Sơn La tại Hà Nội. Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Sơn La điển hình của những địa phương phía Bắc đang tích cực quảng bá tiếp thị, xúc tiến tiêu thụ nông sản thời gian gần đây, bước đầu đưa nông sản đến gần với người tiêu dùng cả nước hơn.
Tại khu vực phía Nam, gần 10 năm nay, TP HCM đẩy mạnh kết nối cung cầu đầu tư, tiêu thụ sản phẩm giữa TP HCM với các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ và mở rộng ra phạm vi nhiều tỉnh, thành khác. Một số tỉnh cũng làm xúc tiến thương mại – đầu tư nhưng vài năm trở lại đây đang chú trọng kêu gọi đầu tư hơn là thúc đẩy thương mại, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op, đơn vị vừa bao tiêu 460 tấn vải thiều và đang phân phối số lượng lớn nhãn lồng Hưng Yên, cho biết đặc thù của một số tỉnh phía Bắc là tổ chức sản xuất tập trung, chuyên canh và làm kinh tế tập thể rất tốt nên khá thuận lợi trong khâu xúc tiến tiêu thụ, làm thương hiệu cho sản phẩm. Trong khi đó các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực ĐBSCL, sản xuất tự phát, nhỏ lẻ và phân phối qua thương lái. Một số địa phương đang hình thành vùng sản xuất, HTX nông nghiệp hướng đến sản xuất an toàn, bền vững nhưng quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà mua hàng lớn mà phải bán qua trung gian nên lợi nhuận giảm và khó xây dựng, khẳng định thương hiệu.
Để tiến tới liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản chất lượng, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với một số tỉnh để tiến tới truy xuất nguồn gốc trái cây, nông sản. Theo kế hoạch, TP HCM sẽ đặt hàng các tỉnh về loại hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy cách bao bì mẫu mã kèm theo đó là yêu cầu truy xuất được nguồn gốc xuất xứ: sản phẩm của nông hộ nào, HTX nào, thời gian trồng, thu hoạch, vận chuyển và bán đến tay người tiêu dùng để người tiêu dùng có thể truy xuất được chính xác sản phẩm của địa phương nào, người trồng nào. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, công nghệ đã có sẵn, chi phí thực hiện rẻ, vấn đề còn lại là quyết tâm thực hiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao giá trị nông sản Việt.
Thủ tướng đề nghị New Zealand hợp tác phát triển một số nông sản
Theo Phương An (Người lao động)