Tỷ lệ chưa kết hôn cao nhất ở đàn ông trình độ tiểu học trở xuống, và ở phụ nữ có trình độ đại học trở lên.
Ở phần lớn các nước Đông Á, niềm tin rằng mọi người nên kết hôn, tốt nhất là khi còn trẻ có nguồn gốc văn hóa sâu sắc và vẫn là quan điểm chung của xã hội. Cũng theo những chuẩn mực đó, tình trạng độc thân thường gắn liền với sự cô đơn, bất hạnh, thậm chí ích kỷ. Những người phản đối lối sống độc thân còn cho rằng những người độc thân trẻ quá ưu tiên cá nhân và không sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong cuộc sống gia đình.
Khi người trẻ bị xã hội “ép” độc thân
Một phân tích điều tra dân số gần đây của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ độc thân giữa nam và nữ ở quốc gia này đối lập hoàn toàn khi xét về yếu tố học vấn và khu vực. Lấy những người độc thân từ 35 đến 49 tuổi làm ví dụ. Trong số nam giới, tỷ lệ chưa kết hôn cao nhất ở nhóm có trình độ tiểu học trở xuống nhưng đối với phụ nữ, nó đạt đỉnh ở những người có trình độ học vấn sau đại học trở lên. Nói một cách dễ hiểu, đàn ông học vấn càng thấp thì càng ế, phụ nữ học càng cao thì càng khó kết hôn.
Sự mất cân bằng giới tính này càng dẫn đến tình trạng kết hôn thấp vì rất nhiều người không thể tìm được bạn đời, ngay cả khi họ muốn kết hôn. Trong số những người nông thôn Trung Quốc từ 20 đến 49 tuổi có trình độ tiểu học trở xuống, thống kê cho thấy tỷ lệ đáng kinh ngạc là 474,5 nam giới chưa kết hôn trên 100 phụ nữ chưa kết hôn. Ngược lại, trong số những người thành thị chưa lập gia đình từ 35 đến 49 tuổi có bằng cử nhân trở lên, chỉ có 97,7 nam trên 100 nữ.
Tất nhiên, không phải tất cả những người độc thân đều là sản phẩm của hoàn cảnh. Nhiều người chọn lối sống độc thân sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn của mình. Đặc biệt, đối với phụ nữ độc thân, sự bất bình đẳng giới rõ ràng hoặc tiềm ẩn trong gia đình, nơi làm việc và xã hội có thể khiến họ coi kết hôn sớm là rủi ro, từ đó dẫn đến việc họ muốn trì hoãn hoặc hoàn toàn tránh xa việc kết hôn.
Nhưng sống độc thân cũng có những điểm trừ riêng. Những người trẻ có năng lực cá nhân tốt có thể phát triển mạnh mẽ ngoài ranh giới của hôn nhân, trở thành “hộ gia đình một người”. Tuy nhiên, ngay cả nhóm người độc thân nhưng giàu này cũng vẫn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh. Các nghiên cứu đều cho thấy hôn nhân giúp làm giảm chi phí sinh hoạt và hỗ trợ các cặp vợ chồng khi họ lập kế hoạch đầu tư dài hạn. Đây là những lợi thế mà người độc thân không thể được hưởng.
Điều đáng nhấn mạnh ở đây là một lượng lớn thanh niên Trung Quốc độc thân vẫn có thái độ cởi mở với hôn nhân. Họ không quá “chủ nghĩa cá nhân” và tuyệt đối từ chối hôn nhân. Nhưng kết hôn đang trở thành bài toán quá khó với nhiều người, dù là nam hay nữ. Những chuẩn mực cố hữu về tầm quan trọng của việc mua nhà, ô tô trước khi kết hôn hay nhu cầu tìm một người bạn đời phù hợp về kinh tế vẫn quá khắt khe. Tính cạnh tranh của thị trường việc làm và tình trạng làm thêm giờ gia tăng cũng làm phân tán thời gian và sức lực, khiến giới trẻ càng khó hẹn hò, yêu đương và xây dựng gia đình.
Mặc dù số lượng thanh niên độc thân ngày càng tăng, hôn nhân vẫn là lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc sống đối với đại đa số người Trung Quốc, ngay cả khi việc tìm được bạn đời không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Về vấn đề này, Trung Quốc không hoàn toàn giống với các quốc gia nơi việc từ chối kết hôn đã trở nên phổ biến. Thay vào đó, nó gần giống với Nhật Bản hơn, nơi các học giả như James Raymo, Fumiya Uchikoshi và Shohei Yoda đã phát hiện ra rằng người độc thân vẫn là thiểu số và việc sống độc thân thường là sản phẩm của hoàn cảnh chứ không phải là lựa chọn cá nhân. Hiện tượng này được các chuyên gia gọi là “trôi dạt vào cuộc sống độc thân”.
Theo cuộc điều tra dân số gần đây nhất, số người chưa kết hôn ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 49 đạt 134 triệu vào năm 2020. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách chi mạnh tay để giải quyết các thách thức về dân số cũng như tạo ra nơi làm việc và môi trường xã hội bình đẳng hơn, giảm bớt những bất an mà giới trẻ phải đối mặt. Hiệu quả của các chính sách ra sao thì trong tương lai mới có đáp án.
Nguồn: Sixth Tone