Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có đánh giá chi tiết về tác động của kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đến thị trường nhà ở, bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có kết quả trúng đấu giá cao bất thường, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Điều này có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản.
Cụ thể, trước hết, trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó lấy mức giá này để làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá. Điều này theo Bộ Xây dựng sẽ có lợi cho các dự án mới được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất nhưng lại gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Thứ hai, theo Bộ Xây dựng, các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm còn có ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.
Thứ ba, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản; các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả.
Bộ Xây dựng cho rằng việc tác động làm tăng giá nhà ở sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở.
Thứ tư, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến sẽ không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai, theo Bộ Xây dựng.
Cuối cùng, Bộ Xây dựng cho biết kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội; dễ kích động người dân bị thu hồi đất đã nhận tiền bồi thường hoặc chưa nhận tiền bồi thường khiếu nại đòi mức bồi thường cao hơn phương án bồi thường đã được phê duyệt, gây mất ổn định xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng náo loạn trong đấu giá gây tác động tiêu cực đến thị trường, ngoài kiến nghị tăng thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, Bộ Xây dựng cũng cho rằng cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Cụ thể quy định thống nhất về hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (thực tế việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương thực hiện theo nhiều hình thức, trình tự khác nhau);
Quy định thống nhất về việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá);
Quy định về số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá;
Quy định rõ thời hạn người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, “thổi giá”.
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/gia-nha-lien-tuc-leo-thang-do-dau-420221228726720.htm)