Thảm cảnh ở Ấn Độ: Sắp vượt Mỹ thành ổ dịch lớn nhất thế giới, sợ nghèo đói hơn cả dịch bệnh

Thảm cảnh ở Ấn Độ: Sắp vượt Mỹ thành ổ dịch lớn nhất thế giới, sợ nghèo đói hơn cả dịch bệnh

Hiện tại Ấn Độ ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tổng cộng 71.000 người đã tử vong và các chuyên gia cho rằng con số vẫn chưa được thống kê hết.

Ở Boisar, 1 thị trấn nhỏ nằm cách Mumbai khoảng 2 giờ chạy xe, virus corona chủng mới dường như vẫn là 1 vấn đề rất đỗi xa xôi cho đến khi Daniel Tribhuvan qua đời.

Tribhuvan năm nay 35 tuổi, là 1 gia sư. Anh bắt đầu cảm thấy sốt vào tháng 4, khi đang đưa người cha vừa đi xạ trị về nhà. Sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy Tribhuvan nhiễm bệnh, hệ thống y tế địa phương đã phản ứng một cách hỗn loạn. Tại bệnh viện công mà anh tới khám, điều đầu tiên mà bệnh viện làm là cố gắng đẩy anh tới 1 bệnh viện tư ở Mumbai. Nhưng xe cứu thương đi được nửa đường thì quay lại sau khi phát hiện anh không có đủ tiền thanh toán.

Trở lại bệnh viện công, Tribhuvan phải chờ tới 3 ngày mới được bác sĩ thăm khám. Và khi 1 người đàn ông lớn tuổi nằm ở giường bên cạnh qua đời, thậm chí 12 giờ sau xác mới được đem đi. Sau 1 tuần, nồng độ oxy trong máu của Tribhuvan xuống đến mức nguy hiểm và anh qua đời ngày 17/5, trở thành ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên ở Boisar.

“Em trai tôi sẽ sống nếu như hệ thống y tế tốt hơn. Đây là nơi tồi tệ nhất trên trái đất để nhiễm virus”, anh trai của Tribhuvan nói.

Nguy cơ vượt Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới

6 tháng sau khi WHO công bố đại dịch, trong khi các quốc gia phát triển đang tìm cách trở lại trạng thái bình thường, virus đang tấn công mạnh mẽ vào những vùng kém phát triển ở Ấn Độ, nơi 70% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sinh sống. Hiện tại Ấn Độ ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tổng cộng 71.000 người đã tử vong và các chuyên gia cho rằng con số vẫn chưa được thống kê hết.

Hôm qua Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới. Nơi đây chính là ví dụ về điều gì có thể xảy ra một khi virus lây lan ở những vùng nghèo và đông dân cư. Thiếu thốn đủ thứ để chiến đấu chống lại dịch bệnh, có lẽ ngày Ấn Độ thay Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất không còn xa.

Điều đó sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế và nhân đạo, đe dọa đảo ngược những thành tích về tăng trưởng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống mà Ấn Độ đã cố gắng trong nhiều năm để đạt được.

Với GDP năm 2019 xấp xỉ 3.000 tỷ USD, Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù hệ thống y tế còn lạc hậu, Ấn Độ lại là quốc gia sản xuất vaccine và thuốc gốc lớn nhất thế giới mà hệ thống y tế toàn cầu phải dựa vào. Và trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hướng nội nhiều hơn, các tập đoàn đa quốc gia từ Walmart đến Facebook đã ồ ạt đầu tư vào Ấn Độ trong thời gian gần đây, đặt cược vào thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó nếu Ấn Độ thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh, đó sẽ là 1 gánh nặng đe dọa đà phục hồi của thế giới trên cả phương diện kinh tế và dịch tễ.

Chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi đang bị chỉ trích gay gắt vì không làm nhiều hơn để giúp đỡ các quan chức liên bang và địa phương chiến đấu với dịch bệnh. Hệ thống y tế vốn đã mong manh của Ấn Độ cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, những biện pháp giãn cách mà hầu hết các chuyên gia cho là cần thiết để ngăn dịch bệnh sẽ làm trầm trọng hơn tiến trình phục hồi của kinh tế Ấn Độ. Tất cả tạo ra 1 vòng luẩn quẩn.

Chết vì nghèo đói hay chết vì dịch bệnh?

Lệnh phong tỏa rộng nhất thế giới được ông Modi thông báo vào ngày 24/3 đã gây ấn tượng mạnh với nhiều chuyên gia. Ở thời điểm Ấn Độ có khoảng 500 ca nhiễm, chủ yếu ở các thành phố lớn và là các ca nhập cảnh. Chặn đứng virus – hoặc ít nhất là ngăn không cho virus lây lan ở những vùng nông thôn đặc biệt dễ tổn thương – bằng cách xáo trộn cuộc sống thường ngày trên toàn bộ đất nước là mục tiêu có lý.

Tuy nhiên, những khu ổ chuột đông đúc và nghèo khổ chính là nơi lý tưởng để mầm bệnh lây lan. Các lệnh giãn cách xã hội khó có thể áp dụng ở đây, và dịch bệnh có thể đã lan rất rộng trước khi các nhân viên y tế chú ý đến. Nỗ lực của chính phủ quá nhỏ bé so với phạm vi của vấn đề vì xét nghiệm và truy vết là những biện pháp đi sau virus. Mặc dù Ấn Độ đã mua được nhiều máy thở, xây bệnh viện dã chiến, thậm chí biến những toa tàu thành nơi cách ly tạm thời, các bệnh ở Mumbai và New Delhi vẫn quá tải. Bệnh nhân bị từ chối vì không còn giường bệnh, xác chết la liệt ở hành lang – hoàn cảnh mà những thành phố ở các nước phát triển như Milan đã tránh được ở thời điểm dịch bệnh tệ nhất.

GDP của Ấn Độ đã giảm gần 24% trong quý II. Hơn 120 triệu người thất nghiệp. Không giống như Mỹ và châu Âu, Ấn Độ không có nhiều nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ số niềm tin tiêu dùng lao dốc trong tháng 5 và tiếp tục xuống thấp kỷ lục trong tháng 7.

Không ít người dân đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng. 5 tuần sau khi phong tỏa toàn quốc – mà phải dùng đến lực lượng công an để giữ cho mọi người ở trong nhà, khảo sát của Oxfam cho thấy một nửa người tham gia khảo sát đã phải giảm số bữa ăn trong ngày và 25% buộc phải đi xin thức ăn.

 Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là hàng triệu người từ nông thôn lên thành phố để làm công nhân trong nhà máy hoặc bán hàng rong hay đánh giày trên phố. Phụ thuộc vào số tiền kiếm được hàng ngày để tồn tại, nhiều người thậm chí không có chỗ để ngủ và không có đồ ăn vì việc làm của họ đã biến mất. Buộc phải trở về quê trong khi tàu hỏa và xe khách dừng hoạt động vì lệnh phong tỏa, họ chọn cách đi bộ về quê, tạo thành những đoàn người “hành hương” dọc theo những con đường cao tốc. Chính những người này góp phần mang virus về vùng nông thôn.

Đầu tháng 6, ông Modi không còn lựa chọn nào khác ngoài chấm dứt lệnh phong tỏa dù số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Làn sóng di cư về quê càng mạnh hơn và khiến tình hình tồi tệ hơn rất nhiều.

Ngành y tế của Ấn Độ có quy mô lớn và khá phát triển, nhưng chủ yếu là những công ty tư nhân chỉ chú trọng vào các thành phố lớn, với những bệnh nhân giàu có hơn. Tại vùng nông thôn, hệ thống y tế rất kém phát triển.

Tòa nhà 2 tầng nằm cạnh con đường cao tốc bụi bặm ở vùng ngoại ô Uttar Pradesh, một trong những vùng nghèo nhất ở Ấn Độ, là trung tâm y tế cộng đồng phục vụ khoảng 225.000 dân. Cơ sở này không có phòng chăm sóc đặc biệt và chỉ có 6 bình thở oxy được thiết kế lại để sử dụng trong các xe cấp cứu. Có khoảng 60 bệnh nhân Covid-19 đang được cách ly tại nhà, và trường hợp nào có diễn biến xấu sẽ được chuyển lên thành phố gần đó nhất, cách đó khoảng 1 giờ chạy xe.

Uttar Pradesh có hơn 200 triệu dân, là bang đông dân nhất ở Ấn Độ nhưng cũng là bang thiếu y bác sĩ nhất. Chỉ có 2,7 bác sĩ trên mỗi 100.000 dân. Chỉ khoảng 40% y bác sĩ ở Ấn Độ làm việc ở vùng nông dân, trong khi đó là nơi mà hơn 2/3 dân số sinh sống.

Để lấp vào chỗ trống, các quan chức địa phương thậm chí đã huy động cả lực lượng giáo viên tham gia đội ngũ y tế. Trường học vẫn đóng cửa vì dịch bệnh nhưng các giáo viên sẽ là nguồn nhân lực có trình độ và được người dân địa phương tin tưởng. Họ tới từng nhà gõ cửa và hỏi xem có ai trong nhà xuất hiện triệu chứng hay không để sàng lọc đối tượng xét nghiệm. Ngoài mục đích “chặt đứt” chuỗi lây nhiễm, mục tiêu là phát hiện sớm các ca bệnh để điều trị sớm. Họ cũng được đào tạo cách đọc chỉ số oxi và những bước để hướng dẫn người dân thực hiện chiến dịch giãn cách xã hội.

Ở các vùng nông thôn, những khu chợ vẫn tấp nập người qua lại. Những lao động thời vụ cùng chen chân trong những chiếc xe tải nhỏ chật chội để tới nơi làm việc. Chính phủ của ông Modi cho rằng tỷ lệ tử vong (chỉ vào khoảng 1,75%) của Ấn Độ nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Nhưng giới chuyên gia hoài nghi về độ chính xác của con số này. Hơn nữa lý do phù hợp hơn để giải thích cho tỷ lệ tử vong thấp là vì dân số Ấn Độ trẻ hơn so với Mỹ hay Italy.

Kể cả trong kịch bản tồi tệ nhất, Covid-19 chỉ là 1 trong rất nhiều loại bệnh có thể khiến người dân ở nông thôn Ấn Độ thiệt mạng. Năm ngoái khoảng 79.000 người chết vì lao – căn bệnh hiện khá hiếm tại các nước phát triển. Cứ mỗi 20 phút lại có 1 phụ nữ thiệt mạng trong khi đang sinh con. Bệnh phong vẫn hoành hành ở quốc gia này.

Nỗi lo sợ nghèo đói đang bắt đầu lớn hơn cả nỗi sợ Covid-19. Lệnh phong tỏa và cú lao dốc của nền kinh tế khiến các hộ gia đình nghèo khó cùng lúc phải chịu 2 “cú đánh”: vừa mất đi nguồn thu nhập từ các lao động di cư, vừa phải nuôi thêm miệng ăn.

Năm nay 22 tuổi, Manoj Kumar kiếm được khoảng 14.000 rupee (191 USD) mỗi tháng nhờ công việc sản xuất ghế ô tô ở 1 nhà máy bên ngoài Delhi. Cậu gửi gần hết số tiền kiếm được về nuôi gia đình. Nhưng Kumar đã mất việc từ tháng 3 và hiện đang ở quê nhà, sống trong căn nhà chỉ có 1 phòng ngủ cùng với 9 thành viên khác trong gia đình. Người duy nhất trong nhà vẫn còn việc làm là mẹ của Kumar, người kiếm được khoảng 6.000 rupee mỗi tháng nhờ công việc bán thời gian. Để tồn tại, gia đình phải đi vay tiền với lãi suất lên tới 30%.

Trong xã hội Ấn Độ có rất nhiều trường hợp tương tự. Delhi đang chứng kiến số vụ trộm cắp vặt gia tăng, trong khi 1 chuyên gia tâm lý ước tính tỷ lệ tự tử trên toàn quốc đã tăng khoảng 70%. Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn tăng vọt, nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động.

Những hệ lụy ngoài mong muốn từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh – chứ không phải từ chính dịch bệnh – nhấn mạnh tình thế khó khăn mà Ấn Độ đang gặp phải. Và kịch bản đó hoàn toàn có thể lặp lại ở những quốc gia nghèo khó hơn.

Ấn Độ có dân số quá đông nhưng lại rất hạn chế về nguồn lực để chiến đấu với dịch bệnh. Đó là vấn đề không chỉ của riêng Ấn Độ mà là nỗi lo của cả thế giới. Không quốc gia nào an toàn cho đến khi mọi quốc gia đều an toàn. Virus có thể hoành hành ở bất cứ đâu và lây lan sang bất cứ đâu trong thế giới kết nối như ngày nay.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Theo Tổ Quốc (http://toquoc.vn/tham-canh-o-an-do-sap-vuot-my-thanh-o-dich-lon-nhat-the-gioi-so-ngheo-doi-hon-ca-dich-benh-4202099115317331.htm)

Có thể bạn quan tâm

Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng chậm lại, dấy lên …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *