Vượt khó
Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do sự bùng nổ của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và sự dứt gãy chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Từ quý 2/2022 đến nay, kinh tế thế giới và Việt Nam dần phục hồi, nhiều quốc gia đã mở cửa và nới lỏng các quy định phòng chống dịch COVID-19 để phát triển kinh tế. Các hoạt động xã hội, giao thương trở lại bình thường, các đơn hàng nhanh chóng được hoàn tất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Thủy sản là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến vượt 11 tỉ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất từ trước tới nay.
Ước cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha (bằng 104% so với cùng kỳ năm 2021); sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn (bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021); kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỉ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỉ USD.
Tại An Giang, những năm qua ngành thủy sản luôn có tốc độ tăng trưởng thủy sản cao, khoảng 6-8 %/năm và tỷ trọng giá trị tăng thêm của thủy sản trong khu vực I, khoảng 12-15%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt hơn 280 triệu USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu cá tra.
Ngành hàng cá tra được xác định là ngành hàng chủ lực, có vị trí quan trọng đối với xuất khẩu và phát triển kinh tế của tỉnh.
Năm 2022, ngành hàng cá tra của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, luôn chú trọng chất lượng sản phẩm nuôi và liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra ổn định. Các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và phát triển thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi lớn.
Trong quy mô sản xuất thủy sản của An Giang, ngành hàng sản xuất cá tra chiếm tỷ trọng rất lớn, trong đó, sản xuất giống với 9 cơ sở sản xuất giống cá tra bột và 988 cơ sở ương dưỡng, diện tích 766ha. Năng lực sản xuất khoảng: 12 – 15 tỉ bột và 2 – 3 tỉ con giống/năm.
Nuôi thương phẩm với diện tích 1.224 ha mặt nước giảm 11ha so với năm 2021 (có 2 vùng ngưng nuôi), với 339 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm. Sản lượng ước đạt 400.000 – 500.000 tấn/năm (chiếm tỷ lệ hơn 80% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh).
Còn tại Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 12.831 tỉ đồng, trong đó, ngành hàng cá tra đạt 8.232 tỉ đồng, chiếm 64,1% tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản Đồng Tháp, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 985 triệu USD.
Tổng diện tích thả nuôi 2.450ha, trong đó có 62% diện tích là vùng nuôi thuộc các doanh nghiệp, 38% diện tích là các hộ nuôi cá thể có liên kết đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong – ngoài tỉnh. Sản lượng hàng năm trên 505.000 tấn, cung cấp trên 92% nguyên liệu cho chế biển xuất khẩu.
Những kết quả trên đây có sự đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra, tinh thần vượt khó để duy trì chuỗi sản xuất cung ứng, nỗ lực tận dụng cơ hội về thị trường và trong kinh doanh.
Đồng thời, có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương để xử lý các vướng mắc, khó khăn, các rào cản từ thị trường nhập khẩu; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ, động viên, khích lệ người dân và doanh nghiệp.
Bàn giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng cá tra năm 2023
Chiều 16.12, tại TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, từ năm 2022 kinh tế thế giới đang dần phục hồi. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm.
“Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp nước ta đã đã chủ động, sáng tạo, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất. Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm.
Kết quả nổi bật năm nay là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đã đạt 49,04 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng thủy sản 11 tháng ước đạt 8.253 nghìn tấn (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 4.682,3 nghìn tấn, tăng 7,4%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10,17 tỉ USD (tăng 28,0% so với cùng kỳ năm 2021) và cao nhất từ trước tới nay”, Thứ trưởng Tiến thông tin.
Thứ trưởng Tiến thông tin thêm, cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng nuôi trồng trên cả nước.
Diện tích nuôi cá tra khoảng 6.400 ha (chiếm 0,44% diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước), tập trung tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến hết tháng 11.2022, sản lượng thu hoạch cả tra đã đạt 1,526 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 2,19 tỉ USD (tăng 66,9% so với cùng kỳ 2021 ), nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% đến 200%.
Giá trung bình xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 – 66%. Giá cá tra nguyên liệu cũng tăng từ 27.000 đến 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản.
Chuẩn bị bước sang năm 2023, ngành hàng cá tra đang có trong tay rất nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức.
Theo dự báo, thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp do những bất ổn về chính trị, kinh tế, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022.
“Vì vậy, đánh giá những khó khăn, thách thức, cơ hội và bàn giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng cá tra trong năm 2023 là rất cần thiết”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ được nghe 6 báo cáo chính, gồm: Báo cáo của Tổng cục Thủy sản về “Kết quả sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023”.
Báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản về “Tình hình thực hiện Chương trình giám sát quốc gia và quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra”.
Báo cáo của Cục Thú y về “Công tác kiểm dịch giống cá tra và quản lý thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản”.
Báo cáo của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 về “ Tình hình chọn giống cá tra chất lượng cao và một số tiến bộ trong sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thương phẩm cá tra”.
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam về “Tình hình xuất khẩu sản phẩm cá tra năm 2022 và dự báo thị trường nhập khẩu cá tra năm 2023; những khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu cá tra và đề xuất giải pháp”.
Báo cáo của Hiệp hội cá tra “Đánh giá tình hình nuôi cá tra năm 2022 và một số đề xuất kiến nghị”.
Sau đó, các đại biểu sẽ nghe tham luận,giải pháp của một số cơ quan quản lý về thủy sản địa phương, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện, trường và người dân tham gia chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.
Và tối 16.12, Lễ hội cá tra lần thứ I, năm 2022, với chủ đề “Vươn ra biển lớn” cũng sẽ chính thức khai mạc tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Theo