Một đường dây mua bán hóa đơn khống quy mô lớn đang được TAND TP HCM xét xử, với sự tham gia của nhiều cán bộ thuế.
Ngày 16-12, TAND TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử 55 bị cáo trong đường dây mua bán hóa đơn khống hơn 14.000 tỉ đồng tại TP HCM.
Thủ đoạn tinh vi
Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM đã trình bày quan điểm luận tội, khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội. Các bị cáo đã lập hàng loạt doanh nghiệp “ma” để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn khống, rửa tiền, trốn thuế và hối lộ cán bộ thuế để che giấu vi phạm.
Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; “Rửa tiền”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Trốn thuế”.
Cụ thể, kiểm sát viên đã đề nghị mức án lên tới 30 năm về các tội danh: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, “Rửa tiền” và “Đưa hối lộ” đối với bị cáo Trần Văn Thịnh (SN 1991; quê Lâm Đồng) – người bị đề nghị mức án cao nhất trong vụ án. Bị cáo Bùi Văn Bảo (SN 1991; quê Quảng Ngãi) bị đề nghị mức án từ 12-14 năm tù về các tội: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Đưa hối lộ”.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, Thịnh đã thiết lập quan hệ với Bảo để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống. Thịnh đã mua 2.786 hóa đơn từ 19 doanh nghiệp “ma” mà Bảo lập, tổng trị giá hơn 177 tỉ đồng. Thịnh bán lại các hóa đơn này với mức phí từ 2,5% – 3,5%, thu lợi bất chính khoảng 1 tỉ đồng. Các giao dịch tiền tệ được thực hiện qua chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Trước đó, Bùi Văn Bảo mua lại Công ty CP Giáo dục Ánh Dương, đổi tên thành Công ty Tư vấn Thuế Ánh Dương và lập 35 doanh nghiệp “ma” để xuất hóa đơn GTGT khống. Hóa đơn được giao dịch qua ứng dụng trực tuyến như Zalo và Telegram, với mức phí từ 0,8% – 4% giá trị hóa đơn. Từ năm 2018 đến năm 2022, Bảo đã xuất 25.256 hóa đơn khống, gây thiệt hại hơn 18,8 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Nhận thấy những tiềm năng lợi nhuận của hành vi này, từ năm 2020 đến năm 2023, Thịnh đã lập 47 doanh nghiệp “ma” và bán 29.745 hóa đơn khống, tổng giá trị hơn 8.000 tỉ đồng. Thịnh thu lợi khoảng 70 tỉ đồng từ việc này. Thịnh còn chỉ đạo 14 nhân viên giúp sức trong việc thành lập doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng và lập chứng từ khống…