“Bùng tiền” để không làm vẫn có ăn
Vay tiêu dùng trực tuyến là một trong những dịch vụ được nhiều công ty tài chính áp dụng để phổ cập tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn cho mục đích tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”. Tuy nhiên trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số hội nhóm có nội dung hướng dẫn cách “bùng nợ” vay tiêu dùng.
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “bùng nợ” hay “bùng tiền” trên mạng xã hội, có thể tìm thấy hàng chục hội nhóm khác nhau có nội dung liên quan như Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó, Nhóm chuyên tư vấn bùng nợ – xóa nợ xấu, Cách bùng app vay và cách đối phó… Tên các hội nhóm tuy khác nhau nhưng đều có số lượng người theo dõi hoặc tham gia rất đông.
Nội dung được trao đổi trong các hội nhóm này chủ yếu chia sẻ về câu chuyện không trả được nợ, xin tư vấn về cách đối phó, “bùng nợ” của các thành viên. Đáng chú ý, chỉ cần một bài viết đăng trong nhóm nói về ý định sẽ “bùng nợ” thì bên dưới sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm dòng bình luận theo kiểu “không sao đâu”, “càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”…
Đối với những bài viết hỏi kinh nghiệm “bùng nợ”, các thành viên đa phần sẽ khuyên sử dụng căn cước công dân giả, sim rác… để tránh bị đòi nợ khi đến hạn. Đặc biệt, có những tài khoản công khai quảng cáo dịch vụ giúp “bùng nợ” với giá từ hàng trăm đến hàng triệu đồng, tùy vào số nợ.
Cơ quan công an nhận định, đặc điểm chung của đa số thành viên trong các hội nhóm này chính là kiểu tư duy “không làm mà vẫn có ăn”, nhiều thành viên không hề e ngại khoe khoang chiến tích “bùng” được tiền vay từ công ty tài chính, sau đó quảng cáo, mời chào các thành viên khác sử dụng các dịch vụ hỗ trợ “trốn nợ” như làm căn cước công dân giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại ảo hay thậm chí là cả những bộ hồ sơ đẹp để dễ dàng vay tiền. Thậm chí, người dạy cách bùng tiền nhiều khả năng lại chính là những đối tượng lập ra những ứng dụng cho vay trực tuyến như một cách để thu hút người có nhu cầu.
Gây ra nhiều hệ lụy
Hành vi “bùng nợ” của người vay không chỉ gây khó khăn cho các công ty tài chính, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường này. Đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) chia sẻ nhiều khách hàng đang suy nghĩ rằng “đi vay không trả nợ là quyền, còn đi đòi nợ là bất hợp pháp”. Vì vậy, đã có thời điểm doanh nghiệp vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn, chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm cao.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit, cho biết một bộ phận người dân bị lôi kéo, rủ rê “bùng nợ”, cố tình trốn tránh trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề người vay chưa ý thức rõ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với khoản vay, không quan tâm đến hậu quả khi có nợ xấu.
Ngoài việc người vay chưa có ý thức, trách nhiệm với khoản vay của mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng nguyên nhân còn một phần đến từ hình thức cho vay với thủ tục đơn giản như vay qua app, chỉ cần CMND/CCCD… Hành vi “bùng nợ” trước mắt ảnh hưởng trực tiếp đến người đi vay, một khi vay nợ mà không trả là vi phạm pháp luật, sẽ bị pháp luật xử lý. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng hoặc tác động xấu đến những người đã và đang vay tiền của các công ty cho vay tiêu dùng chính thống.
Do đó, ông Nguyễn Thành Phúc cho rằng cần nâng cao mức chế tài đối với các hành vi cố ý chây ì trả nợ, “trốn nợ”; xem xét khả năng hình sự hóa hành vi này nếu chứng minh được dấu hiệu cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, cần đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn… để tránh tình trạng nợ xấu.
Một luật sư khẳng định, người “bùng nợ” vay tiêu dùng sẽ không giống như lời giới thiệu “không sao đâu” của các hội, nhóm mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy từng mức độ, người vay có thể sẽ bị khép vào tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” nếu cố tình vay để bùng tiền của người cho vay, khung hình phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể bị phạt tù lên tới 20 năm.
Trong trường hợp người vay cố tình làm giả giấy tờ, cung cấp thông tin cá nhân giả (danh bạ, tài khoản mạng xã hội…) sẽ bị khởi tố với hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự, mức phạt cao nhất lên đến tù chung thân. Ngoài ra, những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng quy định của pháp luật có chặt chẽ đến mấy mà người dân không có ý thức chấp hành thì tình trạng vay rồi chây ì không trả nợ vẫn còn tiếp tục kéo dài. Do đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan trên các phương tiện truyền thông; chỉ ra những hậu quả của việc “bùng nợ” để mọi người cùng thấy tính nghiêm trọng của sự việc. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp “bùng nợ” vi phạm pháp luật để mọi người lấy đó làm bài học.
Bên cạnh đó, người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin nhằm lôi kéo, tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp, hoặc sử dụng dịch vụ “bùng nợ” do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Hãy thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội, vì đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen.
Thời báo ngân hàng