Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Công ty cổ phần VNG.
VNG sắp lên sàn với mã VNZ
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vừa có thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Công ty cổ phần VNG. Cụ thể, mã chứng khoán là VNZ và số lượng chứng khoán đăng ký là hơn 35,8 triệu cổ phiếu, bắt đầu từ ngày 23.12.2022, VSD nhận lưu ký số cổ phiếu đăng ký trên.
Trước đó, VNG thông báo ngày 28.11, VNG chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại UpCom.
VNG cũng vừa công bố giao dịch của 2 công ty con là CTCP Dịch vụ – Dữ liệu công nghệ thông tin VI NA và CTCP Dịch vụ mạng VI NA. Theo đó, Dịch vụ – Dữ liệu công nghệ thông tin VI NA đăng ký chuyển nhượng toàn bộ hơn 1,1 triệu cổ phần của VNG mà công ty này đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ 3,1% vốn điều lệ.
Tương tự, CTCP Dịch vụ mạng VI NA cũng chuyển nhượng toàn bộ 5.550 cổ phần của VNG tương đương tỷ lệ 0,02% vốn điều lệ và không còn sở hữu cổ phần nào sau khi giao dịch thành công.
Theo BCTC hợp nhất quý 3 mới được công bố, VNG đạt doanh thu thuần 2.100 tỉ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế quý 3 là 254,5 tỉ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VNG lỗ sau thuế 764 tỉ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỉ đồng. Doanh thu sau 9 tháng đạt 5.763 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Phần lỗ trong công ty liên kết của VNG đã tăng lên hơn 82 tỉ đồng trong 9 tháng 2022. Tính đến 30.9, lỗ lũy kế từ việc đầu tư vào công ty liên kết của VNG đã lên tới hơn 603 tỉ đồng.
Vi phạm bản quyền, phải bồi thường hàng chục tỉ đồng
Là “kỳ lân công nghệ” nhưng VNG nhiều lần dính lùm xùm về vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị khác.
Trong các ngày 23.8.2022, 19 và 29.9.2022, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án về tranh chấp độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh trên lãnh thổ Việt Nam mà Công ty cổ phần VNG là bị đơn. Theo đó, tòa án đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty cổ phần VNG phải trả số tiền bồi thường hơn 14,3 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hầu như không có bản án nào về quyền tác giả (kể cả cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà tòa án chấp nhận mức yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn với số tiền lớn như đã nêu trên.
Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã có những biện pháp ngày càng quyết liệt hơn trong việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ chống lại các vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Vụ kiện này xuất phát từ việc nguyên đơn là đơn vị được cấp quyền độc quyền khai thác đối với tất cả các tập phim của 3 bộ phim (The Story of Minglan Minh Lan truyện, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi, Legen of the Phoenix – Phượng Dịch trên mọi nên tảng truyền hình và mọi nền tảng dịch vụ, ứng dụng internet trong lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, nguyên đơn phát hiện Công ty VNG đã tiến hành khai thác 3 phim này dưới hình thức đăng tải trực tiếp lên trang điện tử thuộc quyền quản lý và sở hữu của mình là “tv.zing.vn”. Hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm độc quyền này của Công ty VNG đã gây thiệt hại cho nguyên đơn nên nguyên đơn khởi kiện VNG. Do đó, nguyên đơn yêu cầu VNG bồi thường tổng cộng 45 tỉ đồng và VNG phải xin lỗi công khai.
Tại phiên tòa, bị đơn là VNG cũng thừa nhận tên miền www.tv.zing.vn là của VNG, hoạt động theo mô hình mạng xã hội và 3 phim trên do người dùng mạng xã hội đăng tải. VNG cho biết họ không phải rà soát và đảm bảo về bản quyền của nội dung thông tin số do người dùng đăng tải.
Tuy nhiên, tòa án cho rằng VNG dù có chứng minh được người khác đã đưa phim được quyền chiếu độc quyền của nguyên đơn lên tv.zing.vn thì Công ty VNG cũng phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm độc quyền phát sóng, bởi nguyên đơn đã chuyển tiền cho đơn vị cấp bản quyền theo thỏa thuận và thời gian chuyển tiền phù hợp với thời gian 2 bên ký thỏa thuận cấp phép truyền hình.
Tòa án nhận định, khoản 8 điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả như sau: Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 điều 25 của luật này.
Như nhận định trên, đối với 3 bộ phim trên, chủ sở hữu bản quyền phân phối độc quyền lại cho nguyên đơn theo giấy phép nhập khẩu của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch). Theo đó, nguyên đơn được khai thác, trình chiếu độc quyền trên các phương tiện tại Việt Nam nhưng tên miền tv.zing.vn của Công ty VNG có trình chiếu 3 bộ phim này. Do vậy, Công ty VNG đã vi phạm về khai thác bản quyền, nên xét yêu cầu bồi thường của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.
Cụ thể, giá trị hợp đồng chuyển nhượng để khai thác độc quyền 3 phim mà nguyên đơn phải trả là 610.800 USD, tương đương 14,24 tỉ đồng. Do đó, tòa án buộc VNG phải trả cho nguyên đơn số tiền hơn 14,3 tỉ đồng (gồm cả chi phí thuê luật sư); đồng thời tòa án cũng buộc Công ty VNG xin lỗi công khai nguyên đơn trên 3 tờ báo.
Nhiều lần vi phạm bản quyền…
Không chỉ với 3 bộ phim trên, VNG cũng từng bị kiện vì tranh chấp sở hữu trí tuệ khi sử dụng, khai thác bộ phim The Leaves – Chiếc lá cuốn bay khi đăng tải trực tiếp lên trang tv.zing.vn mà không có sự đồng ý của đơn vị được cấp quyền độc quyền phát sóng và phân phối bộ phim tại Việt Nam.
Theo tòa án, hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm độc quyền Chiếc lá cuốn bay của bị đơn mà không được sự cho phép hay chuyển giao quyền từ nguyên đơn đã làm mất đi giá trị khai thác độc quyền của nguyên đơn đối với bộ phim. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là có cơ sở chấp nhận.
Tại thỏa thuận nhượng quyền và phụ lục 2 được ký ngày 22.7.2019, để được cấp quyền độc quyền phân phối và phát sóng bộ phim Chiếc là cuốn bay, nguyên đơn phải trả cho đơn vị cấp bản quyền phí nhượng quyền là 39,5 nghìn USD, tương đương 829 triệu đồng. Do đó, tòa buộc Công ty VNG bồi thường cho nguyên đơn số tiền hơn 829 triệu đồng và chi phí thuê luật sư 120 triệu đồng; buộc VNG xin lỗi công khai trên 3 tờ báo.
Trước đó, ngày 15.1.2019, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 15/QĐ-XPVPHC đối với Công ty cổ phần VNG, số tiền phạt 90 triệu đồng cho 5 hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm bản quyền phim trên trang mạng xã hội Zing TV (tên miền tv.zing.vn).
VNG cũng từng bị nhiều đơn vị kiện về vấn đề bản quyền thời gian trước đây. Đầu năm 2014, Trung tâm Sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn thông báo đã khởi kiện Tập đoàn VNG – đơn vị sở hữu website nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 – ra tòa án Mỹ do vi phạm bản quyền của trung tâm. Cũng trong năm 2014, Zing MP3 bị khởi kiện vì vi phạm bản quyền nhạc Hàn Quốc. Đơn vị này gửi đơn khiếu kiện và đề nghị tòa án buộc VNG thanh toán tiền thù lao là 4 tỉ đồng.
Theo