Trong số 80.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó không ít lao động được các doanh nghiệp đưa vào trái phép.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại kỳ họp Chính phủ ngày hôm qua (2-7), và bộ đang đề nghị các cơ quan liên quan rà soát nhằm bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Trong số 80.000 lao động nước ngoài, theo ông Dung, đa số là do các doanh nghiệp đưa vào Việt Nam làm việc.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, các công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải được cấp Giấy phép lao động. Cơ quan quản lý cấp phép là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, và các sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương.
Theo Điều 172 của Bộ Luật Lao động, có 9 trường hợp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp Giấy phép lao động nhưng sẽ phải cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ 2-5 năm, theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài thực hiện đúng các quy định, vận động người đi xuất khẩu lao động về nước đúng hạn.
Đến nay, còn 49 huyện, và 12 tỉnh đang bị đình chỉ tạm thời việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc đưa người Việt Nam trong khối y dược đi làm việc tại Nhật Bản là một vấn đề “hệ trọng”.Theo đó, trong số 463 trường hợp đưa đi làm việc thí điểm đã có 82 người xin về nước trước thời hạn, rất dễ gây hệ lụy.
Do vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ cho thí điểm 10 doanh nghiệp được đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Tiếp đó, bộ sẽ đàm phán với phía Nhật Bản để người lao động khối y dược khi sang Nhật Bản làm việc được miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế cư trú.
Theo bảo Ngọc ( tuoitre.vn)