Mưa rơi như trút, lũ lụt kinh hoàng: Hé lộ thứ “tiếp tay” cho thảm họa thiên nhiên tại TQ

Trung Quốc có “truyền thống” mưa lũ vào mùa hè, tuy nhiên sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã gây ra những trận mưa lớn bất thường ở một số vùng.
Mưa rơi như trút, lũ lụt kinh hoàng: Hé lộ thứ "tiếp tay" cho thảm họa thiên nhiên tại TQ

Mùa hè năm nay, hàng chục triệu người Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn gây ngập lụt và lở đất ở khắp các vùng trên cả nước, làm thiệt hại không nhỏ tới các thành phố và ngôi làng ở nhiều tỉnh của Trung Quốc.

Đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Mưa lớn đã tấn công 27/31 tỉnh của Trung Quốc tính từ tháng 6 tới nay, ảnh hưởng hơn 37 triệu người dân, làm ít nhất 150 người mất tích hoặc thiệt mạng. Thiệt hại kinh tế ước tính ở mức 86 tỉ nhân dân tệ (khoảng 12,3 tỉ USD).

Trong khi đó, lũ lụt lịch sử năm 1993 ở sông Mississippi, sông Missouri và các nhánh sông lân cận – đợt lũ gây thiệt hại lớn và tàn phá nặng nề nhất ở Mỹ – đã khiến khoảng 50 người chết, 54.000 người phải sơ tán, thiệt hại kinh tế từ 15 tới 20 tỉ USD.

Mưa rơi như trút, lũ lụt kinh hoàng: Hé lộ thứ tiếp tay cho thảm họa thiên nhiên tại TQ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã

Lũ lụt ở Trung Quốc bắt đầu từ phía nam thuộc khu vực vùng Quảng Tây và Quý Châu. Sau đó, mưa lớn đã đổ bộ một diện tích lớn các vùng khác của Trung Quốc, bao gồm tỉnh Giang Tây ở phía đông, tỉnh An Huy ở đông nam, tỉnh Hồ Bắc ở trung tâm. Mức cảnh báo lũ đã được đặt ở mức cao nhất ở nhiều nơi.

Mức độ thảm họa ở ngưỡng nghiêm trọng, với 433 con sông có mực nước vượt mức kiểm soát từ tháng 6 tới nay, 33 con sông trong số đó đạt mức cao kỷ lục. Ở một số vùng thiệt hại nặng nề nhất như Giang Tây, nhiều con đê bị hư hại nặng, nhà cửa ngập trong nước, khiến nhiều người dân nhớ lại trận lũ lịch sử năm 1998 khiến hơn 3.000 người tử vong và 15 triệu người mất nhà cửa.

Tại sao mùa lũ năm nay lại nghiêm trọng như vậy?

Trung Quốc có “truyền thống” mưa lũ vào mùa hè, tuy nhiên sự kết hợp giữa những yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã gây ra những trận mưa lớn, kéo dài hơn bình thường ở một số vùng.

Song Lianchun, một nhà thiên văn học ở Trung tâm Khí hậu Quốc gia, nói: “Áp cao cận nhiệt đới ở vùng bắc Thái Bình Dương trong năm nay rất mạnh. Nó kết hợp với luồng không khí lạnh và liên tục gây mưa lớn ở vùng sông Dương Tử”.

“Chúng ta không thể khẳng định rằng một hiện tượng thiên nhiên nào đó là kết quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, nhưng xét trong khoảng thời gian dài, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã dẫn tới sự gia tăng trong tần suất và mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan”.

Từ năm 1961 tới năm 2018, số lượng mưa “cực lớn” ở Trung Quốc có chiều hướng gia tăng. Từ giữa những năm 1990 tới nay, tần suất mưa lớn đã tăng mạnh. Trong vòng 60 năm qua, số ngày mưa lớn đã tăng 3,9% sau mỗi chu kỳ 10 năm.

 Ngoài mưa lớn, hoạt động của con người cũng có ảnh hưởng tới mức độ nghiêm trọng của mưa lũ ở Trung Quốc.

Fam Xiao, một nhà địa lý tại Sở Địa lý và Khoáng sản Tứ Xuyên, nói hoạt động lấn chiếm đất và xây đập ở các con sông lân cận đã làm giảm diện tích và sức chứa của hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc.

Theo nhà địa lý David Shankman tại Đại học Alabama, từ năm 1954 tới năm 1998, khoảng 1.300km đất đã bị lấn chiếm, khiến diện tích bề mặt hồ bị giảm từ 5.160km2 xuống còn 3.860km2.

Các công trình chống lũ lụt

Sau thảm họa lũ năm 1998, Bắc Kinh đã tăng cường đầu tư cho hệ thống chống lũ lụt.

“Đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng nguồn nước trong 5 năm sau năm 1998 cao hơn tổng số công trình từ năm 1949 tới năm 1999,” Cheng Xiaotao, một chuyên gia thuộc Ủy ban Giảm thiểu Thiên tai Trung Quốc, cho hay.

Ông Cheng cho biết hồ chứa xây trên các dòng sông lớn của Trung Quốc sau năm 1998 – bao gồm đập Tam Hiệp – có vai trò then chốt trong việc giảm áp lực lũ lụt ở hạ lưu sông Dương Tử.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi liệu các con đập khổng lồ có thể điều tiết hiệu quả lũ lụt ở hạ lưu hay không, và đập Tam Hiệp lại một lần nữa trở thành đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người.

Peter Gleick, một nhà nghiên cứu về mưa lũ, thời tiết và là thành viên của Hội Khoa học Quốc gia Mỹ, cho biết bài học lớn nhất có thể rút ra được từ đập Tam Hiệp rằng không một con đập nào – dù lớn tới đâu đi chăng nữa – có thể ngăn được những trận lũ tồi tệ nhất xảy ra.

Tuy nhiên, ông Gleick cho biết hiện không thể đoán được nếu không có các con đập thì tình hình ở Trung Quốc sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn hiện tại.

Theo Tất Đạt

Tổ quốc (http://toquoc.vn/mua-roi-nhu-trut-lu-lut-kinh-hoang-he-lo-thu-tiep-tay-cho-tham-hoa-thien-nhien-tai-tq-8202020762933327.htm)

Có thể bạn quan tâm

Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng chậm lại, dấy lên …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *