Trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đang rất được chờ đón. Giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp phần nào vượt qua được khó khăn, hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp người dân tiết kiệm chi phí mua sắm.
Chị Hoàng Hồng Hạnh (tòa nhà T&T, Vĩnh Hưng, Hà Nội) cho biết, gần đây thu nhập của chị giảm nhiều nên chi tiêu trong gia đình phải tính toán kĩ. Khi mua đồ tiêu dùng cho gia đình như nước giặt, dầu ăn, giấy ăn…hay những vật dụng khác chị tìm hiểu các đợt giảm giá, khuyến mãi của siêu thị rồi mới mua.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chờ đợiTheo chị Hạnh, nếu chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% (từ 10% về 8%) thì người tiêu dùng được hưởng lợi. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó.
Còn chị Thanh Hà (phố Nghĩa Tân, Hà Nội) vui vẻ nói, nếu mỗi mặt hàng đều được giảm giá một chút, người tiêu dùng chúng tôi cũng thấy phấn khởi.
Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 6/5/2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Cụ thể Bộ Tài chính đề xuất giảm Thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023 tuy nhiên. Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Về mức giảm thuế GTGT, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên. Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng giảm thuế GTGT như năm 2022, trong đó không giảm với ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.
Anh Trần Tuấn Anh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, việc giảm thuế GTGT rất có ý nghĩa, giúp doanh nghiệp (DN) giảm giá hàng bán ra, người tiêu dùng đi mua hàng cũng được hỗ trợ phần nào.
Chia sẻ với báo giới, đại diện hợp tác xã (HTX) vận tải Thống Nhất (TPHCM) cho biết, HTX hiện có khoảng 700 xe hoạt động, trong đó có khoảng 150 xe khách chạy tuyến cố định đi các tỉnh thành phố, số còn lại là xe chạy hợp đồng và lúc cao điểm có thể lên đến hàng nghìn xe.
Theo tính toán của các thành viên HTX, nếu được giảm GTGT từ 10% xuống còn 8%, chi phí đầu vào của HTX cũng giảm theo. Chẳng hạn với một xe vận tải hành khách khách 45 chỗ, mỗi tháng chi trung bình khoảng 500.000-600.000 đồng phí đường cao tốc (tùy tuyến). Nhưng nếu được giảm GTGT 2%, HTX sẽ giảm được một phần phí đường cao tốc. Chi phí này có thể bù vào việc giảm giá vé cho hành khách, từ đó thu hút được nhiều người đi xe khách hơn. Ngoài ra, HTX cũng sẽ giảm được chi phí đầu vào từ chính sách giảm GTGT 2%.
Còn ban lãnh đạo HTX Tân Tiến Phát (Hà Tĩnh) thì cho biết, khi không áp dụng chính sách giảm GTGT, HTX phải nộp thuế GTGT 10%. Nhưng nếu Nhà nước tiếp tục áp dụng giảm thuế này HTX sẽ giảm được cả chi phí cho khâu nhập nguyên liệu chế biến và chi phí đưa sản phẩm ra thị trường.
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi nói về đề xuất giảm thuế GTGT cũng cho biết đây là một trong các giải pháp Chính phủ đưa ra để giải quyết khó khăn hiện nay. Việc giảm thuế nhằm mục tiêu chính là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Dự kiến của Bộ Tài chính, số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh sức mua của người dân giảm sút, đồng thời, cơ cấu chi tiêu thay đổi khi thu nhập từ sản xuất không được cải thiện, giá hàng hóa và dịch vụ vẫn cao so với mức thu nhập của người dân, phương án giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023 đối với hàng hoá và dịch vụ chịu mức thuế suất 10% là giải pháp rất cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay của nước ta. Điều này thể hiện sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ trong đề xuất và thực thi các giải pháp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù, ngân sách nhà nước hụt thu do cắt giảm 2% thuế GTGT, nhưng việc cắt giảm này sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho DN phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital nhận định, việc Bộ Tài chính giảm thuế GTGT có 3 tác động lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ chính sách tiền tệ.
“Thuế giảm cũng sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, tức lạm phát giảm. Lạm phát được kiểm soát cũng sẽ giảm áp lực lên chính sách tiền tệ” – ông Tuấn chia sẻ.
Giảm thuế để cải thiện sức mua
Giảm thuế cũng là mong muốn của nhiều tiểu thương tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Bà Mai Hoa – Chủ một ki ốt kinh doanh hàng tạp hóa cho biết, hàng bán rất chậm, người mua thưa vắng. Bản thân bà mong muốn thuế GTGT giảm sớm để giá hàng hóa giảm, cải thiện sức mua. Cũng theo bà Hoa, việc giảm thuế cần kéo dài thời gian để hỗ trợ cho cả người mua và người bán. Người mua hàng mong muốn giá cả hợp lý, còn người bán cũng mong muốn nhập được hàng giá rẻ từ nhà máy, như vậy mới tránh được tình trạng chôn vốn ở hàng hoá nhiều.
Thời điểm tháng 5 này, thông thường các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát đã nhập rất nhiều nhưng theo lời của ông Tuấn Hùng – chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) cửa hàng chỉ dám nhập rất ít, chờ quyết định giảm thuế như thế nào mới dồn tiền mua hàng. Mong muốn của ông là chính sách giảm thuế kéo dài hơn để giá hàng hóa mềm từ đó kích cầu tiêu dùng.
Giảm thuế GTGT là rất cần thiết đối với DN và người dân khi tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, số DN phá sản, ngừng hoạt động tăng lên. Việc giảm thuế GTGT đã từng thực hiện trong năm 2022 mang lại kết quả tích cực, tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, tái sản xuất. Do vậy nếu chính sách này được triển khai sớm trong năm 2023 và kéo dài sẽ kích thích tiêu dùng, giúp DN bán được nhiều hàng hơn.
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng việc giảm 2% thuế GTGT có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, đặc biệt, tác động lan toả của giải pháp này rất lớn, tạo sự phục hồi nhanh hơn cho DN trong thời điểm các DN đang gặp khó khăn về tìm kiếm thị trường đầu ra khi tổng cầu trong nước, tổng cầu thế giới suy giảm. Khi thị trường tiêu thụ được khơi thông, DN sẽ phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết được hàng tồn kho, nợ đọng vốn.
Cũng theo ông Lâm, hiệu quả của giải pháp giảm 2% thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp, làm GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tác động lan toả đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%, tổng tác động của giải pháp sẽ thúc đẩy GDP tăng 0,8%.
Tuy vậy, để giải pháp giảm 2% thuế GTGT đối với hàng hoá và dịch vụ chịu mức thuế suất 10% phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thực sự cho nền kinh tế, đòi hỏi môi trường kinh tế vĩ mô phải ổn định, giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt kiểm soát tốt lạm phát. Có như vậy, người dân mới có thể mở rộng chi tiêu, DN mới phục hồi và phát triển sản xuất.
Năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Thời gian áp dụng, kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:
Người dân cũng được thụ hưởng
Các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ đang chịu thuế GTGT 10% khi được giảm thuế về 8% sẽ được hưởng lợi như giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó DN sẽ tích luỹ được nguồn lực, tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong việc này, người dân cũng được thụ hưởng vì có thể tiếp kiệm chi tiêu. Từ đó, áp lực lạm phát cũng giảm bớt.