Vụ lừa thế kỷ khiến ngân hàng lâu đời nhất nước Anh phá sản

Ở tuổi 28, Nick Leeson khiến Barings, ngân hàng thương mại lâu đời nhất của Anh, phá sản và tạo ra vụ bê bối tài chính tầm cỡ thế giới.

Barings thành lập vào năm 1762, từng là ngân hàng thương mại lâu đời nhất nước Anh. Đây cũng là ngân hàng gửi tiền của Nữ hoàng Elizabeth và từng tài trợ cho cuộc chiến của Napoleon vào thế kỷ 19.

Nick Leeson gia nhập ngân hàng Barings ở London vào năm 1989 khi 22 tuổi. Một năm sau đó, anh ta được cử đến Jakarta để giải quyết các hợp đồng chưa đáo hạn trị giá 100 triệu bảng Anh đang có nhiều rắc rối. Nhờ hoàn thành tốt công việc, danh tiếng của Leeson tăng cao. Tại Jakarta, anh ta gặp đồng nghiệp Lisa Sims, hai người kết hôn năm 1992.

Tháng 3/1992, Leeson được điều đến chi nhánh ở Singapore, tạo dựng được tiếng tăm là một giao dịch viên trẻ tuổi, tài năng và thành công tại đây.

Theo Business Times, trong vòng một năm Leeson đến Singapore, lợi nhuận sau thuế của Baring Futures (Singapore) tăng vọt từ 2,7 triệu SGD vào năm 1992 lên hơn 20,3 triệu SGD vào năm 1993. Leeson được thưởng 150.000 bảng trên mức lương 50.000 bảng.

Đầu năm đó, Leeson được phép hoạt động tự doanh cho toàn bộ tập đoàn Barings. Anh ta bắt đầu giao dịch trái phiếu chính phủ Nhật Bản, sau đó tìm hiểu chỉ số Nikkei 225, đầu cơ vào các hợp đồng tương lai.

Leeson được cho là đã kiếm được hàng triệu bảng cho công ty, chiếm một phần lớn lợi nhuận của công ty. Báo cáo của một kiểm toán viên nhấn mạnh rằng Leeson “nên được giữ lại càng lâu càng tốt”.

“Anh ấy giống như một vị thần và mọi người đều kính trọng anh ấy. Bạn có cảm giác rằng anh ấy có thể tạo dựng hoặc phá vỡ thị trường”, một giao dịch viên nói với Business Times.

Nhưng thực tế, Leeson giữ hai chức vụ là trưởng phòng giao dịch và thanh toán, nghĩa là anh ta gần như có quyền lực tuyệt đối ở chi nhánh. Leeson đã sử dụng điều này để trục lợi cho mình, che đậy các khoản lỗ và giao dịch trái phép trong một tài khoản bí mật được gọi là “tài khoản lỗi 88888”.

Tài khoản này vốn được sử dụng để theo dõi các lỗi giao dịch và chênh lệch kế toán nhỏ. Nhưng từ 1992, nó được sử dụng để che giấu các khoản lỗ của Leeson và hiển thị lợi nhuận giả trong các tài khoản giao dịch Barings khác.

Đến tháng 12/1994, khi cấp cao vẫn không hề hay biết, Leeson đã gánh chịu khoản lỗ lên tới 373,9 triệu SGD.

Để vớt vát, Leeson dốc tiền đặt cược bất chấp chỉ số Nikkei đang giảm xuống dưới mốc 19.000 điểm. Anh ta tin rằng giá cổ phiếu, vốn lao dốc sau trận động đất ở Kobe vào 17/1/1995, sẽ tăng lên.

Khi giá cổ phiếu liên tục giảm, Leeson nhận ra mình đang ở trong hố sâu do chính mình tạo ra, và canh bạc đã lấy đi 932 triệu SGD của Barings.

Cùng tháng đó, các kiểm toán viên phát hiện sự chênh lệch trị giá 50 triệu bảng. Barings bắt đầu điều tra, nhưng khi khoản thâm hụt được phát hiện vào giữa tháng 2/1995, thiệt hại đã tăng lên 2,2 tỷ SGD (tương đương 827 triệu bảng), vượt gấp đôi số vốn và dự trữ của ngân hàng.

Leeson làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Changi khi bị dẫn độ từ Frankfurt trở lại Singapore. Ảnh: ST File

Leeson làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Changi khi bị dẫn độ từ Frankfurt trở lại Singapore. Ảnh: ST File

Giữa sóng gió, Leeson để lại tờ giấy ghi “Tôi xin lỗi” rồi chạy khỏi Singapore vào ngày 23/2. Sau khi cùng vợ rời căn hộ thuê với giá 5.000 SGD/tháng, anh ta lái chiếc Mercedes thuê đến khách sạn Regent ở Kuala Lumpur (Malaysia), chọn phòng hạng sang giá 296 SGD/đêm. Vài ngày sau, Leeson đến khu nghỉ dưỡng bãi biển Shangri-la Tanjung Aru cùng vợ.

Ngày 26/2/1995, ngân hàng Barings phải tuyên bố vỡ nợ và bị bán cho ING, tập đoàn tài chính có trụ sở tại Hà Lan, với giá 1 bảng.

Ngày 1/3, vợ chồng Leeson đáp chuyến bay của Royal Brunei đến Frankfurt. Khi họ hạ cánh vào ngày hôm sau, cảnh sát Đức đã chờ sẵn, mang theo ảnh của cặp đôi để nhận dạng.

Leeson đấu tranh để không bị dẫn độ. Khi bị giam ở Đức, anh ta được phép thực hiện cuộc phỏng vấn với BBC.

Leeson bị đưa trở lại Singapore vào 23/11/1995 – 272 ngày sau khi bỏ trốn. Anh ta bị cáo buộc ba tội giả mạo và 8 tội gian lận.

Leeson tươi cười rời tòa án trong xe cảnh sát sau khi bị kết án 6 năm rưỡi tù. Ảnh: ST File

Leeson tươi cười rời tòa án trong xe cảnh sát sau khi bị kết án 6 năm rưỡi tù. Ảnh: ST File

Phiên tòa xét xử Leeson thu hút truyền thông toàn thế giới. Sau ba ngày xét xử, Leeson nhận hai tội danh và bị kết án 6 năm rưỡi tù. Anh ta được trả tự do vào tháng 7/1999 vì cải tạo tốt.

Khi ở trong tù, Leeson viết cuốn sách Rogue Trader năm 1996 kể chi tiết về thời gian làm người môi giới ở Singapore và quá trình gây ra những khoản lỗ khổng lồ. Bộ phim cùng tên dựa trên cuốn sách này, có sự tham gia của Ewan McGregor trong vai Leeson, được phát hành năm 1999.

Năm 2003, Leeson hoàn thành bằng cử nhân Tâm lý học tại Đại học Middlesex ở London và cưới người vợ thứ hai, vợ cũ Lisa đã đệ đơn ly hôn khi Leeson còn ở trong tù.

Tuệ Anh (Theo Straitstimes)

link gốc: https://vnexpress.net/ke-lua-dao-khien-ngan-hang-233-tuoi-sup-do-4492405.html

Có thể bạn quan tâm

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *